Ninh Thuận: Đất và nước nhiễm mặn, do đâu?

VHO- Xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải là khu quy hoạch sản xuất giống thuỷ sản lớn thứ 2 của tỉnh Ninh Thuận, cũng là nơi có diện tích sản xuất hành tím lớn nhất tỉnh này. Tuy nhiên, thời gian qua, đất và nước ngầm bị nhiễm mặn nghiêm trọng không những ở xã Nhơn Hải, mà giờ đây đã lan tới xã Thanh Hải.

Ninh Thuận: Đất và nước nhiễm mặn, do đâu? - Anh 1

 Đất bị nhiễm mặn nặng, rau ngò phát triển không tốt, đời sống nhiều nông hộ ngày càng khó khăn

 UBND tỉnh Ninh Thuận nhận định, việc nhiễm mặn chủ yếu do hạn hán gây ra. Trong khi đó, người dân lại cho rằng tác hại gây mặn chính là do việc xả nước thải của cơ sở sản xuất thuỷ sản.

Tìm cách bám đất

Trong 6 năm nay, hàng trăm hộ dân ở thôn Mỹ Tường 1, Mỹ Tường 2 của xã Nhơn Hải phải hứng chịu tình trạng nguồn nước và đất sản xuất bị nhiễm mặn nặng. Do không có hệ thống xử lý nước thải, nên kể từ ngày các cơ sở sản xuất giống thủy sản mọc lên, cũng là lúc các chủ trại bơm nước biển lên sản xuất rồi vô tư xả thải trực tiếp ra môi trường, khiến nguồn nước tưới và đất bị nhiễm mặn, nông dân không thể trồng hành, tỏi và cây hoa màu khác.

Với 5.000 m2 đất sản xuất của gia đình ông Trịnh Ngọc Hoà (thôn Mỹ Tường 2, xã Nhơn Hải), phải loay hoay chuyển từ cây trồng này sang cây trồng khác trong gần 3 năm nay để phù hợp với nguồn đất và nước đã bị nhiễm mặn. Dù vậy, cây trồng đều phát triển chậm, năng suất thấp hoặc cây non ngả vàng dần rồi chết héo. Ông Hoà bức xúc: “Nước giếng nhiễm mặn nặng nên buộc tôi phải đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống ống dẫn dài gần 1 km, để đưa nước ngọt từ trong làng ra để tiếp tục duy trì sản xuất. Nhưng, từ trồng hành rồi chuyển sang rau màu đều chết cả.

Anh Nguyễn Đông, một trong số hàng trăm nông dân trong xã phải hứng chịu cảnh nhiễm mặn và rầu rĩ cho biết, tình trạng nhiễm mặn ngày càng lan rộng, để có nước tưới, nhiều nông hộ phải vào trong làng sang nhượng đất để đào giếng rồi từ giếng kéo đường ống tưới dài cả cây số mới tới đất sản xuất, tốn rất nhiều kinh phí nên lãi thấp. Những hộ giáp ranh không có điều kiện đào giếng, đành phải lấy nước sinh hoạt từ hệ thống nước máy pha trộn với nước giếng, nhằm làm loãng độ mặn để tưới cho cây trồng. Một số hộ khác tìm cách chuyển đổi từ trồng hành, tỏi sang trồng rau ngò… hoặc bán đất tìm nơi sản xuất mới. Tuy nhiên, thiếu nước tưới và nước ngày càng nhiễm mặn nên năng suất cây trồng ngày càng thấp, thu nhập giảm, đời sống của nhiều nông hộ ngày càng khó khăn.

Nhiều bà con ở đây chia sẻ, bình thường nếu như đất và nước không bị nhiễm mặn, thì khoảng 2-3 ngày cây hành sẽ nảy mầm và phát triển rất đều. Nhưng hiện nay, cây hành vẫn không phát triển được. Mỗi năm nông dân nơi đây, có thể sản xuất được 4 -5 vụ hành/năm. Nhưng những năm gần đây, mỗi năm chỉ sản xuất được 1-2 vụ hành/năm. Cứ xuống hành giống, nông dân lại cầu mong trời mưa để rửa mặn, thì cây mới phát triển được và nếu không mưa, chắc chắn sẽ mất trắng.

Cần xác định rõ nguyên nhân

Không những gia đình ông Trần Thao (ngụ thôn Mỹ Tường 2, xã Nhơn Hải) có 2.500 m2 hành tím, mà hàng trăm hộ dân xã Nhơn Hải và Thanh Hải sản xuất nơi đây đang thu nhập bấp bênh, chỉ vì nguồn nước và đất nhiễm mặn. “Trước đây, lúc xảy ra hạn đỉnh điểm thì vùng đất này vẫn sản xuất và đạt năng suất cao. Nên việc chính quyền đổ lỗi do hạn hán là tác nhân làm nguồn nước bị nhiễm mặn là không thuyết phục. Người dân khẳng định việc nhiễm mặn ngày càng nghiêm trọng kể từ khi xuất hiện các cơ sở sản xuất thủy sản hình thành”, anh Nguyễn Đông, nông dân xã Thanh Hải thổ lộ.

Qua kiểm tra thực tế, UBND tỉnh Ninh Thuận nhìn nhận: Khu vực quy hoạch sản xuất giống thủy sản tập trung Nhơn Hải với diện tích 100ha là khu quy hoạch lớn thứ 2 của tỉnh, thu hút 189 cơ sở sản xuất giống thủy sản, chiếm 38,6% tổng số cơ sở sản xuất giống thủy sản toàn tỉnh. Ngoài ra, có nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản tự thương lượng, đàm phán mua lại đất của người dân địa phương để xây dựng trại sản xuất và tiếp tục mở rộng quy mô khi có điều kiện. Do đó, trong khu vực sản xuất giống thủy sản tập trung ở Nhơn Hải có sự đan xen giữa diện tích trồng hành, tỏi, rau màu, nhà ở của người dân địa phương.

Tháng 11.2018, UBND tỉnh Ninh Thuận có văn bản gửi Thường trực Tỉnh uỷ Ninh Thuận cũng thừa nhận hạn chế về nguồn vốn từ ngân sách nên khu vực này hoàn toàn chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống thu gom và xử lý nước thải… Các cơ sở sản xuất giống thủy sản tự thiết kế đường ống chôn ngầm dưới đất và bơm nước biển vào trang trại để sản xuất. Các cơ sở đều có bể chứa nước thải nhưng thực chất chỉ là dạng “hầm rút”. Trong thời gian tới, UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ điều chỉnh lại chi tiết quy hoạch vùng sản xuất giống thuỷ sản ở đây.

Đất và nước vẫn đang hàng ngày bị nhiễm mặn, để đánh giá đúng mức độ người dân mong muốn UBND tỉnh Ninh Thuận cần thành lập đoàn đi kiểm tra việc nhiễm mặn tại nơi đây có phải chủ yếu do hạn hán hay là các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản gây ra. Từ đó, có biện pháp giải quyết, hỗ trợ người dân sản xuất, giảm bức xúc trong dư luận nhân dân. 

 PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc