Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Festival Nghề truyền thống Huế 2019: Hội tụ “Tinh hoa nghề Việt”

Thứ Hai 31/12/2018 | 09:51 GMT+7

VHO-  Với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt”, Festival Nghề truyền thống Huế 2019 sẽ tiếp tục giới thiệu các sản phẩm độc đáo của nhiều nghề, làng nghề truyền thống đặc trưng của Huế và nhiều địa phương trong cả nước. Qua đó, vừa khôi phục, bảo tồn làng nghề; vừa xây dựng và phát triển các tour tuyến du lịch gắn với làng nghề truyền thống.

 Làng nghề đan lát Bao La (huyện Quảng Điền) đã trở thành điểm tham quan trải nghiệm của nhiều du khách

Thực hiện mục tiêu xây dựng Huế trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, UBND TP Huế sẽ tiếp tục tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ VIII năm 2019 với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt”. Lễ hội sẽ diễn ra từ 26.4 đến hết ngày 2.5.2019, gắn với nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa của địa phương như: Kỷ niệm 230 năm Nguyễn Huệ đại thắng quân Thanh (1789-2019), 120 năm vua Thành Thái ban Dụ thành lập thị xã Huế (1899-2019), kỷ niệm 120 năm xây dựng chợ Đông Ba và cầu Trường Tiền …

Theo bà Phạm Quỳnh Dao, Trưởng phòng VHTT TP Huế, kỳ Festival Nghề truyền thống năm 2019 sẽ tiếp tục giới thiệu và trình diễn sản phẩm độc đáo của các nghề và làng nghề nổi tiếng của Huế và các địa phương trong nước như: nghề kim hoàn, thêu, pháp lam, chạm khảm, đúc đồng, may áo dài, mộc mỹ nghệ, trúc chỉ, dệt Zèng, gốm, sản phẩm mây tre, nón lá, tranh, đèn lồng, làm diều, ẩm thực... cùng một số làng nghề của Nhật Bản và Hàn Quốc. Và lần đầu tiên, sẽ có không gian giới thiệu nghề y học cổ truyền xứ Huế qua hình thức tổ chức khám chữa bệnh và phô diễn tài năng của các thầy thuốc đông y nổi tiếng của Huế.

Qua thống kê của UBND TP Huế, kỳ Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 7- 2017 đã đón 170.000 khách, trong đó lượng khách lưu trú đạt khoảng 70.000 người (tăng 13% so với kỳ lễ hội trước đó). Địa phương kỳ vọng kỳ lễ hội lần này sẽ thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham gia, qua đó quảng bá hình ảnh thành phố văn hóa du lịch đến cộng đồng.

 Giới thiệu các sản phẩm độc đáo của gốm Chăm

Không gian trình diễn của Festival Nghề truyền thống Huế 2019 không chỉ ở ven bờ Nam sông Hương như mọi khi, mà còn trải dài sang phía bờ Bắc, góp phần kết nối các điểm nhấn của sông Hương đoạn qua trung tâm thành phố. Các hoạt động chính của kỳ lễ hội này gồm: Không gian trưng bày, thao diễn và giới thiệu các sản phẩm truyền thống của các làng nghề, cơ sở nghề truyền thống trong nước và quốc tế; lễ tế tổ bách nghệ, lễ rước; lễ hội áo dài; lễ hội ẩm thực… Và nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng hấp dẫn, sôi động như: lễ hội khinh khí cầu quốc tế, liên hoan sắc màu tuổi thơ, các hoạt động triển lãm nghệ thuật ở các bảo tàng, trung tâm văn hóa và nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật dành cho giới trẻ.

Festival Nghề truyền thống Huế là dịp để các nghệ nhân đem hết tài năng, trí tuệ và tinh hoa của nghề, tạo nên những sản phẩm độc đáo để giới thiệu với công chúng và du khách gần xa.

“Qua các hoạt động Festival Nghề truyền thống Huế 2019, mục đích mà UBND thành phố Huế, Ban tổ chức Festival chuyên đề Huế 2019 hướng đến là tiếp tục tổ chức một lễ hội quy mô, có chất lượng, hiệu quả, tầm cỡ quốc gia và mang yếu tố quốc tế, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh thành phố Huế; phát huy thương hiệu và vị thế của Huế - thành phố Festival, đồng thời góp phần tích cực vào việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương của tỉnh và thành phố về khôi phục, hỗ trợ và phát triển làng nghề truyền thống, làng nghề và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu”- bà Dao khẳng định.

Dẫn chứng sau mỗi kỳ Festival Nghề truyền thống Huế, các nghề và làng nghề truyền thống ở địa phương có nhiều triển vọng hồi sinh, phát triển rõ rệt, cụ thể như nghề pháp lam; nghề chế tác nhà rường; nghề may (may áo dài truyền thống); làng nghề đúc đồng Phường Đúc với các sản phẩm lư, chuông, tượng, hàng mỹ nghệ lưu niệm; nghề thêu tranh ở phố Phan Đăng Lưu, Hùng Vương, Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, tranh thêu XQ Cổ Độ; tranh làng Sình; nón lá Mỹ Lam; gỗ mỹ nghệ Mỹ Xuyên; gốm Phước Tích; hoa giấy Thanh Tiên; giấy trúc chỉ... Đồng thời, nhiều điểm đến du lịch được Nhà nước và tư nhân đầu tư xây dựng như: Trung tâm Làng nghề đúc đồng Phường Đúc; Tịnh Tâm Kim Cổ của doanh nghiệp tư nhân Thuận Thành Duy Mong…

SƠN THÙY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top