Thúc đẩy bình đẳng giới trên thị trường lao động (Bài 2) Thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và nữ

VHO- Những năm qua, Việt Nam đạt được nhiều thành công trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lao động được thế giới ghi nhận. Hiện Bộ LĐ,TB&XH đang lấy ý kiến đóng góp, gấp rút hoàn thiện hồ sơ để trình dự thảo Luật Lao động (sửa đổi), với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách thúc đẩy bình đẳng giới cho phù hợp với tình hình mới.

Tỷ lệ phụ nữ và nam giới có việc làm chênh lệch không cao

Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mới được công bố năm nay cho thấy, phụ nữ ít có cơ hội tham gia vào thị trường lao động và có nhiều nguy cơ thất nghiệp hơn nam giới ở hầu khắp mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam dù vẫn có khoảng cách nhưng sự phân biệt không rõ rệt như nhiều quốc gia khác.

Báo cáo mang tên Triển vọng việc làm và xã hội thế giới – Xu hướng cho Phụ nữ, chỉ ra tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ trên toàn cầu ở mức 48,5%  – vẫn thấp hơn 26,5 điểm phần trăm so với nam giới. Thêm vào đó, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu của phụ nữ là 6% - cao hơn tỷ lệ này của nam giới khoảng 0,8 điểm phần trăm. Tóm lại, điều này có nghĩa là chỉ có sáu lao động nữ trên mười lao động nam có việc làm.

Còn tại thị trường lao động Việt Nam, sự phân biệt giới không rõ rệt như ở các khu vực khác và ở khu vực ASEAN. Tuy nhiên, vẫn tồn tại khoảng cách trong cả vấn đề tiếp cận thị trường lao động và chất lượng việc làm. Báo cáo Điều tra Lao động Việc làm quốc gia mới nhất cho thấy tỷ lệ nữ giới có việc làm thấp hơn 9% so với nam giới (71% so với 80,6%). Ở cấp quốc gia, tỷ lệ thất nghiệp của nữ giới khá tương đồng so với nam giới, duy trì ở mức thấp 2,2% (so với tỷ lệ 2,4% của nam giới), trong đó mức độ thất nghiệp của phụ nữ trẻ cao hơn một chút so với nam giới (lần lượt là 7,5% và 7,38%).

Thúc đẩy bình đẳng giới trên thị trường lao động (Bài 2) Thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và nữ - ảnh 1

Tỷ lệ phụ nữ và nam giới có việc làm ít có sự chênh lệch

Bên cạnh đó, Việt Nam còn được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia xoá bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua. Tình trạng bất bình đẳng giới đã được cải thiện nhanh, thể hiện ở chỉ số phát triển giới (GDI), chỉ số khoảng cách giới (GGI), và chỉ số bất bình đẳng giới (GII) đều ở mức khá tốt. Theo TS Đào Quang Vinh, Viện Khoa học lao động và xã hội cho biết, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 24,4% đưa Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới (đứng thứ 43/143 nước trên thế giới và thứ hai trong ASEAN).

Chênh lệch tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ chỉ còn hai năm

Bộ LĐ,TB&XH đang lấy ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự thảo Luật Lao động (sửa đổi), trong đó cập nhật nhiều vấn đề liên quan tới thúc đẩy bình đẳng giới. Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ,TB&XH) khẳng định: Về cơ bản, Bộ luật Lao động 2012 hiện hành đã đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, có biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó có quy định riêng cho lao động nữ như thai sản, bảo vệ lao động nữ. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, vận hành theo cơ chế thị trường, Việt Nam hội nhập khu vực, quốc tế, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do lớn và tác động của cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ 4, các quy định liên quan đến bình đẳng giới của Bộ luật này đã bộc lộ một số vấn đề cần được nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện.

Một trong những nội dung quan trọng trong lần sửa đổi này, Bộ LĐ,TB&XH đã chính thức đưa ra việc tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 và nam lên 62 nhằm thu hẹp và tiến tới xoá bỏ khoảng cách về tuổi nghỉ hưu của nam và nữ. Theo dự thảo Bộ Luật Lao động đang được hoàn thiện, tuổi nghỉ hưu của người lao động tăng theo hai phương án. Phương án 1 là từ 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động tăng mỗi năm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62, nữ đủ 60 tuổi; tức là đến năm 2029 lao động nam sẽ về hưu ở tuổi 62, đến năm 2036 lao động nữ sẽ về hưu ở tuổi 60. Còn phương án 2 là kể từ 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động tăng mỗi năm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Như vậy, đến năm 2025 lao động nam sẽ về hưu ở tuổi 62 và đến năm 2031 lao động nữ sẽ về hưu ở tuổi 60. “Đối với người bị suy giả khả năng lao động, hoặc làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì có thẻ về hưu sớm không quá năm năm. Người lao động có trình độ chuyên môn cao có thể về hưu muộn hơn nhưng không quá năm năm”, ông Hà Đình Bốn chia sẻ.

 

Thúc đẩy bình đẳng giới trên thị trường lao động (Bài 2) Thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và nữ - ảnh 2

Khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ sẽ được thu hẹp 

Như vậy, dù thực hiện theo phương án nào, lộ trình thực hiện dài hay ngắn thì khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ sẽ chỉ còn ba năm, thay vì năm năm như hiện nay. Theo bà Andrea Prince, chuyên gia Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, việc tăng tuổi nghỉ hưu của nữ tương đồng với nam giới là thực hiện  Công ước 111 chống phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp mà Việt Nam đã phê chuẩn năm 1992. Hơn nữa điều này còn liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, nếu lao động nữ nghỉ hưu ở độ tuổi trẻ, thời gian đóng góp BHXH ngắn, mức đóng góp thấp thì lương hưu sẽ thấp hơn nam giới. “Nghỉ hưu sớm với phụ nữ còn tác động tiêu cực đến nghề nghiệp và cơ hội thăng tiến của phụ nữ vì khi ở độ tuổi nào đó, phụ nữ bắt đầu được thăng tiến thì lại đến tuổi nghỉ hưu, sẽ làm hạn chế việc nâng cao trình độ giữa nam và nữ”, bà Andrea Prince nói.

Cũng có ý kiến cho rằng, Hiến pháp 2013 đã quy định nam và nữ bình đẳng trước pháp luật, tại sao không xây dựng chính sách tuổi nghỉ hưu của lao động nam và lao động nữ là bằng nhau? Lý giải về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ pháp chế cho hay, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới vẫn áp dụng tuổi nghỉ hưu của lao động nam cao hơn lao động nữ. “Nói bình đẳng không có nghĩa là tất cả phải bằng nhau. Bởi vì phụ nữ còn phải có thiên chức mang thai, sinh đẻ, sức khỏe  nói như các cụ là “chân yếu tay mềm”… nên từ những năm 1990, pháp luật ưu tiên phụ nữ được về hưu sớm. Nhưng hiện nay chúng ta tiếp cận theo hướng mới, tiến tới bình đẳng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước và có lộ trình từng bước để tiến tới tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ bằng nhau. Tuy nhiên, trước mắt chúng ta theo lộ trình tuổi nghỉ hưu ở nam và nữ là 62 và 60; 10 năm sau hoặc khi đất nước phát triển tốt, thể chất, sức khoẻ người lao động tốt hơn có thể tiếp tục bàn đến tuổi nghỉ hưu ở nam và nữ tăng lên bằng nhau là 63 hoặc 65…”, ông Hà Đình Bốn nói.

“Có nhiều quan điểm về bình đẳng trong tuổi nghỉ hưu, gốc của chúng ta là nữ giới được ưu tiên về trước năm năm do phụ nữ có thiên chức gia đình. Giờ đây, xây dựng phương án tăng tuổi nghỉ hưu nữ lên 60, nam 62 cũng chưa chắc đã là bình đẳng. Có thể phải bằng nhau mới là bình đẳng có thể thấp hơn cũng là bình đẳng, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố về tâm lý, sức khỏe con người, sự phát triển, nhận thức của xã hội”, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc Hội

 

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc