Xây dựng văn hóa thương hiệu chè Việt

VHO- Ngày 23.11, tại TP.Huế, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo quốc tế “Phát triển du lịch ẩm thực- nông nghiệp và xây dựng văn hóa thương hiệu chè Việt Nam”. Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ nhiều quốc gia chuyên sản xuất và tiêu thụ chè hàng đầu thế giới, như: Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Srilanka, Kenya, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ…

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, những năm trở lại đây cây chè được tái cơ cấu lại theo hướng tăng năng suất, đảm bảo chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, gia tăng giá trị xuất khẩu, phát triển cảnh quan gắn với du lịch nông nghiệp. Ngành nông nghiệp đã  khuyến khích các địa phương trong nước đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm chè. Theo ông Nam, ngành chè Việt Nam hiện có được nhiều thuận lợi khi là nơi có nhiều chủng loại giống chè, và giá thành khá cạnh tranh… Tuy nhiên, ngành chè vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, như: thiếu hụt lao động; diện tích trồng chè ngày càng giảm và được thay thế bởi các cây trồng khác; phần lớn sản phẩm chè xuất khẩu đều ở dạng thô…
Hiện nay, diện tích trồng chè cả nước ta là khoảng 125.000 hecta, trong đó diện tích chè kinh doanh là 110.000 hecta, tập trung phần lớn ở các tỉnh: Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Yên Bái… Mặc dù sản lượng chè xanh của Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc), nhưng sản lượng xuất khẩu chè lại đứng thứ 5 (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Srilanka và Kenya). Khối lượng xuất khẩu chè chính ngạch của Việt Nam trong năm 2018 ước đạt 145.000 tấn với giá trị khoảng 245 triệu USD; trong khi đó lượng chè tiêu thụ trong nước là khoảng 45.000 tấn, đưa lại doanh thu 5.500 tỷ đồng.

Xây dựng văn hóa thương hiệu chè Việt - ảnh 1

Nhiều đại biểu đến từ các nước sản xuất và tiêu thụ chè hàng đầu thế giới tham dự hội thảo. Ảnh: T.A

Theo đại diện Hiệp hội chè Nga, mỗi năm quốc gia này có hơn 160.000 tấn chè được nhập khẩu, trong đó chè Việt Nam chiếm khoảng 11% (với kim ngạch khoảng 30 triệu USD), chiếm vị thứ 4 sau các nước Ấn Độ, Srilanka và Kenya. Tuy nhiên, giá chè của Việt Nam lại nằm trong khung thấp nhất trong nhóm 5 nước xuất khẩu chè hàng đầu thế giới, chỉ với 1,6 USD/kg. Từ đó, ông Ramaz Chanturiya -Chủ tịch Hiệp hội chè Nga đề xuất Việt Nam nên thực hiện các giải pháp nhằm xây dựng và khẳng định thương hiệu chè Việt Nam ở thị trường quốc tế. Trong đó, cần cung cấp hỗ trợ cho các nông trang cùng tham gia những hội chợ quy mô lớn (ít nhất là 3 năm liên tiếp); tạo ra hệ thống kiểm soát xuất khẩu chè cao cấp và chất lượng; xây dựng công ty quy mô lớn để thúc đẩy chè Việt chất lượng/đẳng cấp ở trong và ngoài nước, trong đó chú ý đến các hoạt động xúc tiến tại các khu vực du lịch…
Ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam thông tin: tính đến năm 2018, cả nước đã có hơn 100 giống chè. Trong đó, đã nghiên cứu và lựa chọn được hơn 10 giống chủ lực đưa vào phục vụ sản xuất. Nhiều địa phương đã và đang mở rộng diện tích trồng chè an toàn theo hướng hữu cơ. “Hiện nay nước ta cơ bản đã làm chủ các công nghệ chế biến các loại sản phẩm chè (như chè đen OTD, CTC; chè xanh lăn, xanh duỗi, xanh sencha; chè vàng; chè ô long; chè hòa tan…). Thế nhưng lĩnh vực chế biến sâu vẫn còn rất hạn chế, cần có sự đầu tư của các doanh nghiệp lớn để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm chè”- ông Tài nói. 

Xây dựng văn hóa thương hiệu chè Việt - ảnh 2

Các doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu về sản phẩm chè của Việt Nam. Ảnh: TA

Xây dựng văn hóa thương hiệu chè Việt - ảnh 3

Một quầy trưng bày và giới thiệu trà sen Huế đến với bạn bè quốc tế. Ảnh: TA

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận và đóng góp các ý kiến để có giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển ngành chè Việt Nam theo hướng bền vững và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm để phát triển các tour du lịch đến các vùng trồng chè đặc trưng; cũng như quảng bá sản phẩm chè thông qua du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực…
Có thể kể đến một số tour du lịch gắn với các vùng trồng chè có tiếng đã được rất nhiều du khách yêu thích, như: tham quan trải nghiệm ở đồi chè Mộc Châu (Sơn La), đồi chè Cầu Đất (Lâm Đồng), đảo chè ở Thanh Chương (Nghệ An), đồi chè Đông Giang (Quảng Nam), đồi chè Tân Cương (Thái Nguyên)…
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: mặc dù trên địa bàn tỉnh có một số vùng trồng chè xanh, nhưng chủ yếu là được sử dụng cho người địa phương, chưa có danh tiếng như các vùng khác. Tuy nhiên, Huế lại có một số sản phẩm trà, độc đáo và khác biệt so với các vùng khác như: trà rau má Quảng Thọ, trà vả Lộc Mai; hay một số sản phẩm trà được chế biến riêng theo kiểu Huế, như: trà sen Huế, ngự trà, trà thảo dược cung đình… Đây chính là những sản phẩm thường được giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước khi đến du lịch tại Huế. 

THÙY AN

Ý kiến bạn đọc