Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Đà Nẵng: Dân “kêu khát”, còn nhà máy vẫn nằm trên giấy

Thứ Sáu 16/11/2018 | 09:12 GMT+7

VHO- Trên địa bàn TP Đà Nẵng gần đây liên tục xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Điều đáng nói, trong khi nguồn nước sinh hoạt khan hiếm thì dự án Nhà máy nước Hòa Liên dự kiến có công suất 120.000 m3/ngày đêm vẫn đang “treo” lơ lửng nhiều năm nay.

 Xe bồn di động hỗ trợ nước cho người dân

Theo kế hoạch, Nhà máy nước Hòa Liên sau khi hoàn thành sẽ tạo thêm nguồn cấp nước chính cho TP Đà Nẵng ở khu vực đô thị phía tây, tây bắc (đang có nhu cầu sử dụng nước rất lớn với các khu công nghiệp, bến cảng). Nhưng nhiều năm đã trôi qua, số phận của Nhà máy nước Hòa Liên vẫn chỉ là dự án, do TP Đà Nẵng chưa quyết định hình thức đầu tư.

“Long đong” như dự án Nhà máy nước Hòa Liên

Năm 2012, chính quyền Đà Nẵng giao cho Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) làm chủ đầu tư dự án xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên, đồng thời cho phép Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) nghiên cứu theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Sau khi nghiên cứu, JICA đưa ra mức tổng chi phí đầu tư xây dựng dự án hơn 2.260 tỉ đồng, việc triển khai đấu thầu, ký kết hợp đồng vào tháng 12.2018, đưa vào sử dụng năm 2022.

Tuy nhiên, sau đó Dawaco không đồng ý phương án này và cho rằng phương án của JICA đề xuất bán sỉ năm đầu với giá 7.690 đồng/m3 nước là chưa phù hợp và cho rằng với giá như vậy, khi mua lại để bán đến người tiêu dùng thì giá đội lên thành 8.782 đồng/m3, trong khi giá nước sinh hoạt thời điểm đó (năm 2014) thành phố phê duyệt thấp nhất là 4.580 đồng/m3.

Cùng một vài nguyên nhân khác, dự án tạm thời dừng lại do thành phố không tìm được phương án đầu tư. Sau nhiều cuộc họp với các đối tác nước ngoài nhưng không đi đến thống nhất, tháng 11.2016 Dawaco đã xin thành phố cho tự đầu tư dự án với tổng mức đầu tư 1.243 tỉ đồng, hoàn thành trong năm 2020 và giá nước dự kiến là 4.600 đồng/m3. Nhận thấy việc tự chủ của Dawaco có chi phí đầu tư thấp hơn, thời gian hoàn thành đáp ứng nhu cầu nước sạch và giá thành rẻ hơn, tháng 2.2017 Thường trực Thành ủy Đà Nẵng thống nhất phương án tự đầu tư của Dawaco.

Sau đó, Dawaco đã tiến hành các thủ tục đánh giá tác động môi trường, xin điều chỉnh quy hoạch và thủ tục đầu tư. Ngày 24.4.2018, Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng lại có Thông báo 367 về việc thay đổi chủ trương đầu tư dự án xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên. Theo đó không giao cho Dawaco làm chủ đầu tư như đã định mà sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao). Tuy nhiên, đến nay, thành phố vẫn chưa chốt được phương án lựa chọn BOT hay giao lại cho Dawaco.

Hơn 6 năm qua, trong khi dự án Nhà máy nước Hòa Liên vẫn loay hoay tìm “minh chủ” thì tình trạng thiếu nước sinh hoạt kéo dài trên diện rộng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân thành phố.

Ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho rằng, Nhà máy nước Hòa Liên cần đầu tư cấp bách để giải bài toán cấp nước an toàn cho thành phố, đây là dự án rất quan trọng, vì khi Nhà máy nước Hòa Liên hoàn thành sẽ cấp nước trong thời gian lâu dài và không bị phụ thuộc vào các nguồn nước khác.

Trước tình trạng “giậm chân tại chỗ” của dự án Nhà máy nước Hòa Liên, vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã có văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan báo cáo đầy đủ, phân tích các giai đoạn triển khai Nhà máy nước Hòa Liên từ năm 2012 cho đến nay, giải trình nguyên nhân thời gian triển khai dự án bị kéo dài, nghiên cứu thêm các phương án đầu tư khác như đầu tư công, đầu tư từ nguồn vốn của Quỹ Đầu tư phát triển TP, làm rõ phương án tài chính, lộ trình tăng giá nước…, báo cáo tổng thể tình hình triển khai đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên và các Nhà máy nước khác trên địa bàn TP theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Thành ủy tại Thông báo số 388-TB/TU ngày 13.6.2018.

Về phần mình, là đơn vị trước đây được lãnh đạo TP Đà Nẵng giao làm chủ đầu tư Nhà máy nước Hòa Liên, Dawaco cho biết, tính đến tháng 10.2018, Dawaco đã hoàn thành công tác đánh giá tác động môi trường dự án và đã được Bộ TN&MT phê duyệt tại Quyết định số 1826/QĐ-BTNMT ngày 8.6.2018.

Ngày 31.10, Sở Xây dựng Đà Nẵng lại có văn bản 10194/SXD-HTKT yêu cầu Dawaco báo cáo rà soát tiến độ thực hiện dự án Nhà máy nước Hòa Liên, trong khi chính Dawaco cũng không biết mình có được làm chủ đầu tư dự án hay không, khi lãnh đạo TP Đà Nẵng vẫn chưa có quyết định chính thức về hình thức đầu tư Nhà máy nước Hòa Liên. Như vậy, trong thời gian tới, hàng ngàn người dân tiếp tục phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt thì đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm?

Văn Hoá sẽ tiếp tục phản ánh vấn đề này tới bạn đọc. 

 MINH CHÂU

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top