Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV:  Không lẽ cứ xem văn hóa chỉ là “đàn, ca, sáo, nhị”?

Thứ Hai 29/10/2018 | 10:03 GMT+7

VHO- Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trong hai ngày (26-27.10) Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, có 88 ý kiến phát biểu và 3 đại biểu tranh luận. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và 5 thành viên khác của Chính phủ đã tham gia phát biểu giải trình. “Nhìn chung, nội dung thảo luận rộng, toàn diện và không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính phản biện cao”, ông Hiển nói.

 Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng: “Bao giờ mới nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của văn hóa?”

Đa số ý kiến thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra, theo đó đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp, tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân và ghi nhận các kết quả đạt được trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, về cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách dân tộc miền núi trong 3 năm qua.

Bên cạnh đó, cũng tại phiên thảo luận nhiều đại biểu cho rằng mặc dù đã có sự quan tâm đầu tư cho phát triển văn hóa, con người nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đầu tư cho văn hóa vẫn chưa tương xứng

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội), tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn diễn ra trong nhận thức của một số Bộ, ngành và địa phương về đầu tư cho văn hóa. Việc đầu tư cho văn hóa, nhất là đầu tư cho các lĩnh vực văn học nghệ thuật đỉnh cao, công tác quản lý, văn hóa cơ sở, sáng tác phê bình, lý luận văn học có tác dụng định hướng dẫn dắt, vẫn chưa thật sự tương xứng với vai trò, vị trí của văn hóa trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội. Việc đầu tư cho văn hóa không chỉ là tiền bạc mà còn là trí tuệ, con người, nhận thức và thể hiện sự quan tâm của các cấp, ngành, từ Trung ương đến cơ sở đối với văn hóa. Nhưng rất tiếc sự đầu tư đó vẫn còn chưa được như mong muốn. Nói lên tâm tư, nguyện vọng của các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, đại biểu Hưng mong muốn lĩnh vực này sẽ được quan tâm, đào tạo, đầu tư trong thời gian tới.

Đặt câu hỏi, phải chăng những bất cập trong đầu tư về văn hóa là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho những tiêu cực trong phát triển kinh tế - xã hội chưa được giải quyết một cách triệt để, thậm chí còn có xu hướng gia tăng và phát sinh nhiều yếu tố mới tinh vi hơn, nguy hại hơn, đại biểu Hưng cho rằng: Vấn đề đặt ra là nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa với tư cách là nền tảng, mục tiêu, động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội đã thực sự đi vào cuộc sống chưa? Nếu chưa thì đó là câu trả lời cho những khiếm khuyết, tồn tại vừa nêu. “Vấn đề đặt ra tiếp theo là đến bao giờ chúng ta mới nhận thức và tỉnh ra trước vấn đề có tầm chiến lược như vậy? Vẫn nói theo chủ trương nhưng hành động cụ thể thì đang coi văn hóa chỉ là đàn, ca, múa, hát cho vui. Vẫn cứ nhận thức và triển khai đầu tư cho văn hóa theo cách chỉ là đầu tư không thu và phải đi sau cùng các khoản đầu tư khác. Thậm chí một lĩnh vực có thu mà rất hiệu quả là công nghiệp văn hóa cũng chưa được quan tâm một cách đầy đủ”, đại biểu Hưng nhấn mạnh.

Theo phân tích của ông, công nghiệp văn hóa là một ngành kinh tế sáng tạo nhằm khai thác, phát triển các tiềm năng, giá trị của văn hóa, thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới, củng cố sức mạnh mềm của quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa, số hóa và góp phần quảng bá xây dựng thương hiệu quốc gia đã được nhiều nước trên thế giới phát triển từ lâu, được định vị như một lĩnh vực kinh tế chủ chốt từ nhiều năm nay và thu được những kết quả to lớn. Tuy nhiên ở Việt Nam thì ngành công nghiệp văn hóa mới chỉ ở mức sơ khai, nhỏ lẻ, chứ chưa chuyên nghiệp, nhiều lợi thế, tiềm năng có thể tạo ra được lợi nhuận lớn đã không được khai thác.

Mừng về phát triển kinh tế, lo đạo đức xã hội

Đề cập đến vấn đề “xây dựng một thế hệ con người Việt Nam mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển đất nước, khắc phục biểu hiện xuống cấp về đạo đức từ những hiện tượng đơn lẻ ngoài xã hội”, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) nhắc đến những vụ việc gây bức xúc thời gian gần đây. Đó là việc một nữ sinh vứt con qua cửa sổ hay vụ một thiếu niên 15 tuổi thản nhiên giết sinh viên làm thêm chỉ vì thích chiếc xe côn tay như của nạn nhân mà chưa có. “Những vụ việc đau lòng đó xuất phát từ sự vô tình đến nhẫn tâm, hay sự thiếu hiểu biết pháp luật, đạo đức lối sống xuống cấp hay xuất phát từ tất cả các nguyên nhân trên?”, đại biểu Thắng nêu câu hỏi.

Cũng theo đại biểu này, trước những biểu hiện xuống cấp của đạo đức, xã hội như vậy nhưng những giải pháp khắc phục của chúng ta hiện nay dường như chưa đủ. Cho rằng con người là nguồn lực quan trọng nhất để phát triển đất nước, đại biểu Thắng đề nghị Chính phủ cần đánh giá sâu hơn về thực trạng, nguyên nhân cũng như đề xuất giải pháp hữu hiệu để thực hiện Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Cho rằng bên cạnh những thành tựu về kinh tế, câu chuyện về gia đình đang tồn tại nhiều mặt trái, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Bắc Giang) chỉ ra một loạt vấn đề như mối quan hệ trong gia đình lỏng lẻo, không ít gia đình bỏ mặc con trong điều kiện xã hội phát triển, khó kiểm soát. Sự thiếu hụt kiến thức của cha mẹ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng 25% trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhiều hội chứng tâm lý xã hội nảy sinh như stress, trầm cảm, tự tử… số thiếu niên phạm tội trong 2 năm gần đây đều tăng.

“Một số gia đình giờ không còn là nơi an toàn khi tệ nạn xã hội đã “hỏi thăm”, bạo lực gia đình, xâm hại còn nhức nhối”, đại biểu Hà nói và chỉ ra con số 60% vụ xâm hại trẻ em là từ người thân, người quen; 77% số vụ ly hôn xuất phát từ bị đánh đập, nghiện ma túy, cờ bạc, rượu chè… Từ đó đại biểu Hà đề nghị phải nâng cao giáo dục gia đình. Trong khi đó đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) thì bày tỏ ông vui mừng về sự phát triển kinh tế, nhưng lại lo về đạo đức xã hội xuống cấp và mong Chính phủ quan tâm hơn đến đời sống của người dân, để vừa phát triển kinh tế nhưng vấn đề đạo đức lối sống cũng được nâng cao tương xứng. 

 Tuần này Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn

Hôm nay 29.10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về Kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kếhoạch tài chính - ngân sách nhànước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Tiếp đó trong 3 ngày, từ 30.10 - 1.11, Quốc hội sẽ bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước khi nghe Chủ tịch nước trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan vào ngày 2.11…

 

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

 

 

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top