Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Xây dựng thương hiệu để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa: Ba câu chuyện cần đặc biệt lưu ý

Thứ Tư 17/10/2018 | 10:01 GMT+7

VHO- Vì nhiều lý do, các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta chưa thực sự phát triển hay chưa thực sự chuyên nghiệp. Điều này được thể hiện ở việc rất nhiều các công trình nghệ thuật được sản xuất ra và rơi vào quên lãng. Những bộ phim được sản xuất với chi phí nhiều tỉ đồng nhưng không thể chiếu ở rạp. Các lĩnh vực khác nhau từ âm nhạc, phim ảnh đến thủ công mỹ nghệ… cũng không ngoại lệ.

 Văn hóa của 54 dân tộc anh em là lợi thế để xây dựng thương hiệu văn hóa Ảnh: TR.HUẤN

 Nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân, những người sáng tạo không sống được bằng nghề. Thị trường nghệ thuật méo mó, không phát triển theo đúng quy luật cung cầu của nó.

Tuy vậy, có những tín hiệu khởi sắc đối với việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Những thử nghiệm thành công và không thành công của Nhà sàn Collective, Zone 9, của các triển lãm của Viện Goethe, Trung tâm Văn hóa Pháp L’espace hay của các cá nhân nghệ sĩ đã cho thấy sự quan tâm và áp dụng thực tiễn ở những mức độ nhất định, trong đó sự sáng tạo được xem là hạt nhân kích thích các yếu tố khác.

Ở một khía cạnh bao quát nhất, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa bao gồm nhiều khâu, từ hoàn thiện thể chế, phát triển thị trường, sản phẩm, công chúng tới vấn đề bản quyền và các quyền liên quan. Tuy nhiên, phát triển thương hiệu là một trong những yếu tố then chốt khác để giúp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Thương hiệu quan trọng ở chỗ nó là một đảm bảo về chất lượng và uy tín đối với sản phẩm nói riêng, cả nền kinh tế - văn hóa nói chung.

Đối với lĩnh vực sáng tạo, xây dựng thương hiệu cần tập trung vào một số yếu tố cụ thể sau: Thứ nhất đó là xây dựng thương hiệu cho các cá nhân nghệ sĩ, người sáng tạo. Cá nhân nghệ sĩ hay người sáng tạo có sức thu hút, tầm ảnh hưởng nhất định đối với việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Những ví dụ trên thế giới cho thấy, nhiều khi những cá nhân cụ thể có thể vực dậy, làm phát triển cả một lĩnh vực sáng tạo như trường hợp Trương Nghệ Mưu đối với điện ảnh ở Trung Quốc, Kim Ki-Duk với điện ảnh Hàn Quốc... Các cá nhân có tác dụng lan tỏa, làm phát triển cả một lĩnh vực công nghiệp văn hóa, hay trở thành một trong những khâu của chuỗi giá trị gia tăng liên quan đến các lĩnh vực khác nhau trong đời sống kinh tế - xã hội của một khu vực hay một quốc gia; Thứ hai là tập trung xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, tổ chức sáng tạo. Không chỉ các cá nhân, các doanh nghiệp, tổ chức sáng tạo có vai trò quan trọng trong việc định vị thương hiệu cho các sản phẩm văn hóa của Việt Nam. Chúng ta đều biết rằng, thương hiệu của các công ty như Google, Apple, Luis Vuiton, Hermes,… luôn tạo ra sự khao khát cho rất nhiều người tiêu dùng các sản phẩm của họ. Đây cũng là mong muốn của bất kỳ một doanh nghiệp hay tổ chức sáng tạo nào. Điều quan trọng nhất để làm nên thành công của các thương hiệu nổi tiếng thế giới, bên cạnh chất lượng tốt, là nỗ lực sáng tạo không ngừng của họ. Vì thế, xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp, tổ chức sáng tạo Việt Nam sẽ giúp kích thích, nuôi dưỡng khả năng sáng tạo của toàn bộ xã hội, từ đó tạo ra các hoạt động thành công trong kinh doanh nói chung; Thứ ba là xây dựng thương hiệu quốc gia về sáng tạo. Trong bối cảnh các quốc gia đều có xu hướng xây dựng thương hiệu cho mình như gần đây nhất là Ấn Độ với khẩu hiệu Make in India để phát triển sản xuất nói chung, với Thái Lan là Creative Thailand, với Hàn Quốc là Dynamics Korea cho các sản phẩm văn hóa, sáng tạo,… thì Việt Nam cũng cần có những chiến lược để xây dựng một thương hiệu chung cho tất cả các sản phẩm văn hoá của mình. Việt Nam có rất nhiều lợi thế về văn hóa với sự đa dạng các biểu đạt văn hóa của 54 dân tộc cùng sinh sống trong một quá trình lịch sử lâu dài, thiên nhiên tươi đẹp, con người mến khách, cởi mở… Tất cả đều có thể trở thành tài sản văn hóa và thương hiệu của một đất nước. Khi đất nước có được một thương hiệu hay một thông điệp rõ ràng gửi tới thế giới, tới tất cả khách hàng, chúng ta sẽ có lợi thế trong việc thu hút sự quan tâm của thị trường. Từ đó, tạo động lực cho các cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào thị trường văn hóa.

Khi nhiều ngành kinh tế gặp vấn đề trong việc duy trì tăng trưởng và các sản phẩm công nghiệp được sản xuất hàng loạt với giá rẻ gặp khó khăn vì bão hòa, nhàm chán trên thị trường thì việc kết hợp các yếu tố văn hóa, sáng tạo trong các sản phẩm (cả văn hóa và các sản phẩm hàng hóa thông thường) trở thành một hướng đi mới cho nhiều quốc gia. Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và dịch vụ văn hóa giúp các ngành công nghiệp văn hóa trở thành động lực phát triển mới cho đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. 

BÙI HOÀI SƠN (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam)

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top