Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Không gian sáng tạo phát triển công nghiệp văn hoá: Bao giờ hết lạc lõng?

Thứ Hai 15/10/2018 | 11:01 GMT+7

VHO- Một trong những ngành được xác định là mũi nhọn trong việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô chính là các không gian sáng tạo. Bởi thế, Thành ủy Hà Nội vừa ngồi lại với giới sáng tạo để nói những câu chuyện cởi mở, hướng đến mục tiêu Hà Nội trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa lớn của cả nước, trở thành Thành phố sáng tạo và hướng tới có vị trí quan trọng của khu vực và châu Á.

Hội thảo “Phát huy những tiềm năng, thế mạnh các không gian sáng tạo trong việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô thời kỳ hội nhập và phát triển” vừa được Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức. Giới chuyên gia, nhiều văn nghệ sĩ khá hào hứng với khao khát hiện thực hóa bức tranh thành phố sáng tạo, phục vụ đời sống văn hóa của người dân đô thị, đặc biệt là giới trẻ.

Chưa thực sự tạo được hiệu ứng

PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam, Bộ VHTTDL) đưa ra kết quả khảo sát của Hội đồng Anh, theo đó Hà Nội có khoảng 60 không gian sáng tạo, gồm 7 không gian làm việc chung, 42 không gian văn hóa nghệ thuật và một số không gian sáng tạo khác. “Tuy nhiên, các không gian sáng tạo này chưa nhận được quan tâm đúng với vai trò, vị trí của chúng đối với sự phát triển của Thủ đô. Những chủ nhân của các không gian sáng tạo này dường như vẫn “lạc lõng” trong việc đồng hành cùng Thủ đô phát triển KT- XH”, ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến cũng cho biết, trên thực tế, nếu biết cách phát huy, các không gian sáng tạo sẽ trở thành động lực cho sự phát triển Hà Nội trong những năm tới.

Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, nghiên cứu về không gian sáng tạo không phải là chủ đề mới. Bộ VHTTDL, Hội đồng Anh, Viện Goethe Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo về các không gian sáng tạo trong thành phố. Đây là những cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, đại diện của các không gian sáng tạo… bàn các vấn đề liên quan đến không gian sáng tạo ở Việt Nam. Tuy nhiên, các kiến thức này dường như mới chỉ dừng lại ở các cuộc hội thảo, trong sách, ở các nhà nghiên cứu và đại diện của các không gian sáng tạo với nhau, mà chưa thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống.

Sở hữu nhiều không gian sáng tạo như Hanoi Creative City, Heritage space, The Vuon…, con số ước tính 140 không gian sáng tạo chắc hẳn sẽ không dừng lại với tốc độ đô thị hóa như hiện nay của Thủ đô. Thế nhưng, dù là phần không thể thiếu của Hà Nội trong sự phát triển của Thủ đô nhưng quá trình vận hành các không gian sáng tạo này đang còn tồn tại nhiều hạn chế. Phần lớn các không gian sáng tạo đều hoạt động nhờ sự nhiệt tình của các sáng lập viên và các cộng sự, hoạt động chuyên môn của các địa điểm văn hóa này không có hoặc có rất ít lợi nhuận.

Mặt khác, các không gian sáng tạo lại hầu như hoạt động độc lập, ít có mối liên hệ với nhau, đặc biệt trong hoạt động chuyên môn. Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch CLB Doanh nhân sáng tạo cho rằng, hoạt động của các không gian sáng tạo còn èo uột, những địa điểm còn duy trì hoạt động đến ngày hôm nay đã là sự may mắn.

Huy động nguồn lực cho không gian sáng tạo

Dù có vai trò quan trọng nhưng nhiều không gian đã phải vất vả để hoàn thành cả sứ mệnh kinh doanh và sứ mệnh cộng đồng. Mô hình không gian sáng tạo tuy đang tạo ra các tác động tích cực nhưng lại còn non yếu, nên cần được hỗ trợ và khuyến khích một cách cởi mở với sự hiểu biết và trân trọng được xây dựng từ hai phía: chính quyền và chủ không gian sáng tạo.

Nhận định việc phát triển các không gian sáng tạo ở Hà Nội gặp nhiều khó khăn, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng đề xuất một số giải pháp phát triển các không gian sáng tạo ở Hà Nội. Thứ nhất là nâng cao nhận thức của các cấp, ngành về vai trò của các không gian sáng tạo trong phát triển thủ đô. Các không gian sáng tạo không chỉ là nơi kinh doanh, khu vui chơi giải trí mà còn là nơi tạo ra động lực cho sự phát triển của thành phố. Bên cạnh việc nhìn nhận những giá trị trực tiếp mà các không gian sáng tạo đem lại, Hà Nội cũng phải nhìn nhận thấy những giá trị gia tăng, gián tiếp của các không gian sáng tạo ấy như góp phần tạo bản sắc, quảng bá hình ảnh, tăng sức hấp dẫn cho Thủ đô và các tác động lan tỏa đến các ngành KT-XH khác.

Tiếp đó hoàn thiện hệ thống chính sách để tạo điều kiện phát triển các không gian sáng tạo của Thủ đô. “Chúng ta không thể ứng xử với các không gian sáng tạo như các doanh nghiệp bình thường vì đặc điểm của các không gian này mang tính thử nghiệm, hướng tới cộng đồng. Nuôi dưỡng ước mơ, sáng tạo phải được thực hiện theo cách khác thông thường. Vì vậy, chính quyền thành phố cần phải có những chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch đô thị, chính sách thuế... thì các không gian sáng tạo ở Thủ đô mới có thêm những cơ hội phát triển”, theo ông Bùi Hoài Sơn.

Ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, Hà Nội đã xây dựng chương trình khởi nghiệp với kế hoạch hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người trẻ trong lĩnh vực công nghệ có sáng kiến, ý tưởng phù hợp. Về không gian phát triển văn hóa, Hà Nội đang phấn đấu từ nay đến năm 2020 sẽ có thêm khoảng 25 công viên mới, trong đó dự tính dành ra các không gian để trưng bày, giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật sáng tạo của văn nghệ sĩ Hà Nội.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã tính toán để mở thêm nhiều không gian phố đi bộ, đưa thêm nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm nâng cao đời sống tinh thần cũng như thúc đẩy, truyền cảm hứng sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa trong cộng đồng. Cũng theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, để thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Hà Nội thông qua phát triển các không gian văn hóa, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, áp dụng vào điều kiện thực tiễn của các ngành nghề, lĩnh vực trên địa bàn Thủ đô.

  Bộ VHTTDL, Hội đồng Anh, Viện Goethe Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo về các không gian sáng tạo trong thành phố. Đây là những cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, đại diện của các không gian sáng tạo… bàn các vấn đề liên quan đến không gian sáng tạo ở Việt Nam. Tuy nhiên, các kiến thức này dường như mới chỉ dừng lại ở các cuộc hội thảo, trong sách, ở các nhà nghiên cứu và đại diện của các không gian sáng tạo với nhau, mà chưa thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống.

 

 PHƯƠNG ANH

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top