Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Trẻ mắc tay chân miệng chuyển giai đoạn nặng

Thứ Hai 15/10/2018 | 10:46 GMT+7

VHO- Đến nay, số ca mắc bệnh tay chân miệng cả nước giảm 18,9%, sốt xuất huyết giảm 53,6% so với năm 2017. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây bắt đầu có sự gia tăng bệnh tay chân miệng và sởi tại một số địa bàn nơi có tập trung đông dân cư, có sự giao lưu đi lại lớn, điều kiện sinh sống chật hẹp, chưa bảo đảm vệ sinh.

 Phun thuốc phòng chống dịch tại phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) Ảnh: TUẤN DŨNG

Số ca mắc tay chân miệng tăng nhanh ở các địa phương có thể kể đến TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội... Trong khi các bệnh viện tại các tỉnh phía Nam đang gồng mình chống chọi với tình hình gia tăng bệnh tay chân miệng thì tại Hà Nội, số trẻ mắc cũng lên tới hơn 1.600 trường hợp, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017, nhưng so với trung bình các năm (khoảng 2000 - 4.000 trường hợp) thì không có đột biến.

“Giật mình” là triệu chứng cần theo dõi

Tuy vậy các bác sĩ khuyến cáo, bệnh tay chân miệng có thể điều trị tại nhà nhưng cần theo dõi vì trẻ có thể chuyển những biến chứng nguy hiểm. Theo Ths. BS Lê Lan Anh, Phó trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), trẻ quấy khóc khác thường, sốt cao không hạ và giật mình là triệu chứng rất sớm báo hiệu nguy cơ bệnh tay chân miệng có thể diễn biến nặng lên. “Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do vi rút đường ruột gây ra, lây từ người sang người, chủ yếu theo đường tiêu hoá, dễ gây thành dịch, nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi nhỏ đặc biệt là nhóm tuổi mẫu giáo. Biểu hiện của bệnh có nhiều mức độ khác nhau,có thể chỉ biểu hiện tại da niêm mạc, cũng có thể diễn biến phức tạp và hay biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp... thậm chí dẫn đến tử vong”, bác sĩ Lan Anh cho hay.

Biểu hiện ban đầu của tay chân miệng là sốt nhẹ, có thể không sốt hoặc sốt thoáng qua nhưng có thể sốt rất cao; sau đó xuất hiện các tổn thương ở da niêm mạc. Ở miệng thường có các nốt phỏng nước sau vỡ thành các vết loét, bội nhiễm có mủ, xung quanh miệng có thể có các ban đỏ. Trên lòng bàn tay, bàn chân có các nốt phỏng nước nổi cộm trên mặt da, tổn thương da có thể gặp ở mông, đầu gối.... Ngoài ra trẻ có thể có các biểu hiện nhiễm virus như viêm đường hô hấp, tiêu chảy... Các ca bệnh ở thể nhẹ, bác sĩ sẽ hướng dẫn gia đình theo dõi, điều trị cho trẻ tại nhà bằng thuốc hạ sốt, vệ sinh răng miệng bằng các dung dịch sát khuẩn, bôi các nốt phỏng bằng các dung dịch sát khuẩn, uống đủ nước, dinh dưỡng đầy đủ dễ tiêu, tăng cường vitamin bằng hoa quả tươi… sẽ giúp trẻ tự khỏi sau một tuần.

Cũng theo bác sĩ Lan Anh, những dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng chuyển sang độ nặng thì trẻ cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời như: sốt cao liên tục, không kiểm soát được nhiệt độ dù đã được dùng thuốc hạ nhiệt, mệt mỏi li bì, giật mình cả khi thức lẫn khi ngủ, quấy khóc liên tục bất thường. “Giật mình là một trong những triệu chứng sớm của nhiễm độc thần kinh do nhiễm virus. Do vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, lúc ngủ, quan sát tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không, BS Lan Anh khuyến cáo.

Cần sự tham gia quyết liệt của chính quyền địa phương để dập dịch

Ngày 13.10, Bộ Y tế phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức triển khai “Chiến dịch phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết. Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều tiềm ẩn diễn biến phức tạp, các bệnh dịch như tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết có thể gia tăng do nhiều nguyên nhân. Công tác phòng, chống dịch bệnh còn nhiều khó khăn do các bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh, nên hoạt động phòng, chống chủ yếu dựa vào sự tham gia của cộng đồng, ý thức tự phòng bệnh của người dân…

“Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn trong quản lý đối tượng tiêm chủng, một số địa phương chưa thật sự vào cuộc quyết liệt, một bộ phận người dân chưa hợp tác với chính quyền, ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch, chưa có ý thức chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, loại trừ các ổ lăng quăng (bọ gậy), chưa đưa con, em đi tiêm chủng đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Thông qua chiến dịch truyền thông này, ngành Y tế kêu gọi sự tham gia tích cực của chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội và người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh. Nếu không có sự vào cuộc của chính quyền địa phương thì chống dịch không thành công. Đồng thời, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng như sau; rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn chín, uống sôi, lau sạch các bề mặt, dụng cụ bếp, thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày với trẻ; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh; khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. 

 MAI TRANG

 

Print
Tags: Y tế

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top