Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Về đất học Văn An

Thứ Sáu 12/10/2018 | 17:59 GMT+7

VHO- Thị xã Chí Linh (Hải Dương)- một vùng văn hoá tâm linh trọng yếu của cả nước. Nhiều danh nhân nổi tiếng của đất nước đã sinh ra ở đất này, hoặc tìm về đây “sinh cơ lập nghiệp”, để rồi ra đời những câu chuyện, những huyền thoại của non sông đất Việt.

  Bởi chính những điều linh diệu đang tiềm ẩn ở Chí Linh mà nơi đây luôn thu hút du khách muôn phương tìm về tham quan, khám phá những giá trị di sản văn hóa cùng những gì rất riêng của vùng đất đặc biệt linh thiêng này.

    Ai đến thị xã Chí Linh để tìm hiểu về sự học thời xưa, chắc chắn sẽ được nghe câu: “Người làng Dọc- không học cũng hay” để nói về một làng cổ cũng là đất học, giống như lò đào tạo tiến sĩ xứ Đông ở làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

    Làng Dọc- tức làng Kiệt Đoài, xã Văn An (nay là Khu dân cư Kiệt Đoài, phường Văn An, thị xã Chí Linh). Nằm bình dị giữa vùng đồng ruộng khá rộng và ngay cạnh con sông Kinh Thầy huyền thoại, làng Kiệt Đoài mang vẻ đẹp xanh tươi, màu mỡ và nét đẹp riêng.

  Chẳng hiểu phong thủy Kiệt Đoài thế nào nhưng vẻ đẹp tự nhiên ở đây, chỉ ngắm thôi cũng đã say rồi. Cảnh trên bến dưới thuyền đã tồn tại hàng trăm, hàng nghìn năm qua, đến giờ không thay đổi.

  Có rất nhiều câu chuyện dân gian truyền tụng về sự học của Kiệt Đoài, Văn An. Đã từ xa xưa lắm người dân đất này đã ham học ham làm, vì thế mà họ chẳng kém cạnh ai, giàu có cả về tiền tài và chữ nghĩa.

  Vào thời nhà Trần, sau lần dâng “Thất trảm sớ ” không được vua chấp thuận, thầy Chu Văn An đã trút mũ áo từ quan, quyết định tìm về Chí Linh làm người ở ẩn hái củi và dạy học, viết sách. Từ kinh thành về, thầy đi đường thủy và tới bến sông thuộc địa phận làng Kiệt Đoài. Thấy đất lành, thầy lên thuyền ghé vào, được dân làng đùm bọc, phụng dưỡng. Thấy người dân ở đây có truyền thống cần cù ham học, Thầy đã lưu lại và dạy dân học hành.

    Có thầy giỏi, có trò ngoan và chí lớn, ắt có tương lai xán lạn. Và rồi, mảnh đất thấm đẫm huyền thoại này càng thêm nổi tiếng bởi “sự học” từ đấy. Minh chứng là tại vùng quê này có tới 8 vị đỗ đại khoa là: Nguyễn Doãn Khâm, Nguyễn Phong, Nguyễn Quang Trạch, Nguyễn Đình Tuấn, Nguyễn Quang Hạo, Nguyễn Tứ và đặc biệt là Nguyễn Thị Duệ- vị nữ tiến sĩ duy nhất trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam.

 

Đình làng Kiệt Đoài

Ở Kiệt Đoài, nơi linh thiêng liên quan tới sự học phải kể tới ngôi đình được dân làng xưa dựng lên gần bến sông, để thờ Thành hoàng cùng các vị tiên hiền. Ngôi đình được kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian Tiền tế và 3 gian Hậu cung. Tuy nhiên, đình đã bị tàn phá do thời gian và biến thiên của lịch sử, chỉ còn lại 3 gian Hậu cung hầu như còn nguyên vẹn theo phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Năm gian Tiền tế được nhân dân góp công, góp sức trùng tu năm 1997. Trong đình, gian giữa thờ Thành hoàng, bên tả thờ quan Trần Quốc Trân, bên hữu thờ thầy giáo Chu Văn An. Hậu cung đình thờ một pho tượng đẹp gọi là Vua Bà (tức tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ) và một Sắc phong thờ phụng: “Chính Vương phủ, Thị nội Cung tần, Lễ sư Nguyễn Thị Ngọc tôn thần. Người có công giúp nước, che chở cho dân”

Đình nhỏ, nằm khiêm nhường giữa miền quê thanh bình, ẩn mình trong lũy tre làng và thấp thoáng trong tán lá của những cây cổ thụ. Khuôn viên của đình hầu như vẫn giữ được vẻ nguyên sơ theo thế phong thủy của đình Việt Nam. Hiện đình vẫn còn giữ được một sắc phong thời vua Duy Tân cùng một số bia cổ.

Cách đình không xa là chùa làng, tên chữ là Phổ Chiếu tự. Nghe các cụ cao niên trong làng kể lại, chùa cũng đã bị phá hủy hoàn toàn. Ngôi chùa hiện hữu được xây dựng sau này bằng toàn bộ số nguyên vật liệu của ngôi đền cổ thờ thầy giáo Chu Văn An trên núi Phượng Hoàng. Nhân dân Văn An nói chung và Kiệt Đoài nói riêng đã xin lại, về dựng lên ngôi chùa làm nơi thời Phật trong chính khuôn viên cũ.

Chùa nằm ngay trên đường cái quan, trục giao thông chính vào làng, kiến trúc theo kiểu chữ Đinh. Trong chùa thờ Phật tam thế, đồng thời có đặt thờ pho tượng cổ Vua Bà rất đẹp và sắc phong của triều đình. Đặc biệt, trải bao thăng trầm của lịch sử, nhiều đời người dân ở đây truyền nhau gìn giữ được một quả chuông có niên hiệu thời vua Minh Mạng. Trên đó chữ vẫn còn sắc nét: Kim chung Phổ Chiếu tự (tức Quả chuông chùa Phổ Chiếu). Đây là di sản quý, khẳng định ngôi chùa gần nhất cũng đã được xây dựng hoặc trùng tu đầu thế kỷ 19.

Về Kiệt Đoài, du khách không thể không đến chèo thuyền trên sông Kinh Thầy, dọc “Dải yếm bà Chúa” và thăm Từ đường họ Nguyễn.

 

Từ đường họ Nguyễn ở làng Kiệt Đoài

Tương truyền cả dải đất ven sông Kinh Thầy, dọc làng Kiệt Đoài xưa, dân gian vẫn gọi là “ Dải yếm bà Chúa” và cả khu đất nơi xây dựng Từ đường dòng họ Nguyễn khoa bảng là đất vua phong cho Bà chúa Sao Sa- Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ. Trong số các vị đỗ đại khoa ở nơi này, có tới 7 người họ Nguyễn. Bà Nguyễn Thị Duệ là một trong số đó. Ngoài ra, họ Nguyễn nơi đây còn có nhiều người làm quan lại trong các thời kỳ phong kiến.

Du khách tới làng Kiệt Đoài, không chỉ thăm một ngôi làng cổ với các di tích linh thiêng, “yết kiến” thầy Chu cùng Thành hoàng làng để cầu mong sự học tấn tới, mà sẽ còn được nghe kể những giai thoại về Bà chúa Sao Sa, một trong những nhân vật nổi tiếng thời ấy. Bà là kết tinh truyền thống hiếu học của người Việt nói chung và của đất này nói riêng.

Từ xưa tới nay, nhiều người ở nhiều thời vẫn truyền tai nhau về sự linh ứng của các di tích ở làng Kiệt Đoài. Họ tìm về đây cầu khấn mỗi khi gia đình, dòng tộc, người thân chuẩn bị đi thi hoặc mong muốn học hành tinh tấn.

Ngày nay, các di tích này vẫn là những thiết chế văn hóa có vai trò quan trọng, nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cả cộng đồng, nơi thờ tự và lưu giữ những di sản văn hóa, những truyền thuyết ngợi ca sự học, đồng thời là nơi tôn vinh những con người nổi tiếng trong lịch sử dân tộc. Vì vậy, làng Tiến sĩ Kiệt Đoài, nơi rất cần được kết nối với các di tích khác như : Phượng Sơn Linh từ (thờ thầy giáo Chu Văn An) và đền thờ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ để xây dựng thành sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh gắn với giáo dục truyền thống trọng đạo học cho nhiều thế hệ người Việt Nam.

(Bài viết này có sự hợp tác với Trung tâm thông tin, xúc tiến du lịch Hải Dương)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top