Không gian di sản văn hoá Việt Nam cần tăng cường sức hút

VH- Đó là phát biểu chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng tại buổi làm việc về kế hoạch tổ chức triển lãm “Không gian di sản văn hoá Việt Nam 2018”, diễn ra sáng 1.10.2018.

Không gian di sản văn hoá Việt Nam cần tăng cường sức hút - Anh 1

 Thứ trưởng Lê Quang Tùng chủ trì buổi làm việc

“Sự kiện tôn vinh các giá trị di sản văn hoá nhân Ngày Di sản văn hoá Việt Nam 23.11 là hoạt động đặc biệt ý nghĩa. Vì vậy, công tác chuẩn bị cần chu đáo, đảm bảo đầy đủ các yếu tố tôn vinh giá trị đặc sắc của các di sản văn hoá Việt Nam, đặc biệt là những di sản đã được UNESCO công nhận”, Thứ trưởng Lê Quang Tùng lưu ý.

 Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đăng Chương, Giám đốc Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam báo cáo về kế hoạch, công tác chuẩn bị và các nội dung cơ bản của sự kiện “Không gian di sản văn hoá Việt Nam” nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hoá 23.11 năm nay. Theo ông Chương, từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận ngày 23.11 hằng năm là Ngày Di sản văn hoá Việt Nam, Bộ VHTTDL đã giao Trung tâm Triển lãm VHNT VN tổ chức thường niên các ngày hội tôn vinh di sản văn hoá nhân dịp này. Năm 2018, Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch, gửi các địa phương xin ý kiến trước khi hoàn thiện kế hoạch chính thức báo cáo lãnh đạo Bộ.

“Năm nay, dự kiến có khoảng 20 tỉnh, thành sẽ tham gia Không gian di sản văn hoá Việt Nam, diễn ra từ 21-23.11 tại Hà Nội”, ông Chương cho biết.

Sẽ có nhiều điểm nhấn ấn tượng nhằm tôn vinh các giá trị độc đáo của các di sản văn hoá Việt như: Triển lãm Hành trình di sản văn hoá Việt Nam; Không gian di sản văn hoá các vùng miền; Áo dài Việt Nam; Trưng bày các sản phẩm truyền thống của các nghệ nhân tiêu biểu từ các làng nghề trong cả nước; Giới thiệu sản phẩm du lịch của các địa phương, các đơn vị lữ hành; thi vẽ tranh Thiếu nhi với Di sản văn hoá Việt Nam, hội thảo...

Đặc biệt, góp phần tôn vinh các giá trị di sản văn hoá tại ngày hội là chuỗi các hoạt động văn hoá nghệ thuật đặc sắc. Trong đó, Đêm hội tôn vinh Di sản văn hoá Việt Nam sẽ diễn ra vào tối 23.11. Nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, trò chơi dân gian... cũng sẽ mang đến ngày hội của các di sản văn hoá Việt nhiều gam màu phong phú. Bên cạnh đó, BTC sẽ phối hợp với Sở VH&TT Hà Nội tổ chức hoạt động biểu diễn nhằm tôn vinh các giá trị di sản, văn hoá cổ truyền của các địa phương tham gia tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ.

Không gian di sản văn hoá Việt Nam cần tăng cường sức hút - Anh 2

 Nghệ nhân trình diễn làm đèn lồng trong Ngày Di sản văn hoá Việt Nam

“Các địa phương đều có nguyện vọng được tạo điều kiện để đưa các sản phẩm, di sản đặc sắc nhất của mình về không gian chung, trong một sự kiện có tầm vóc và dấu ấn đặc biệt này. Cũng như nhiều năm trước, khách tham quan sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng các giá trị di sản phong phú trải dài đất nước...”, ông Nguyễn Đăng Chương báo cáo.

Đánh giá cao công tác chuẩn bị, xây dựng kế hoạch và nội dung cho sự kiện Không gian di sản văn hoá Việt Nam 2018, Thứ trưởng Lê Quang Tùng lưu ý, đây là hoạt động đặc biệt ý nghĩa nhằm tôn vinh, quảng bá và phát huy giá trị các di sản văn hoá Việt Nam đến với đông đảo công chúng trong nước và du khách quốc tế, do đó, cần chuẩn bị chu đáo, bài bản. Đặc biệt, cần tăng cường sức thu hút bằng các hoạt động triển lãm, trưng bày trực quan, ấn tượng, từ đó tạo sức hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều hơn du khách.

“Cần xây dựng các chương trình, hoạt động có tính kết nối, sức lan toả để không gian di sản này thực sự lôi cuốn, thể hiện được sức sống và giá trị của di sản trong đời sống cộng đồng. Bên cạnh đó, phải nỗ lực đổi mới, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động cũng như cơ sở vật chất để nâng tầm thương hiệu...”, Thứ trưởng chỉ đạo.

Lưu ý thời gian từ nay đến khi diễn ra hoạt động không còn nhiều, Thứ trưởng yêu cầu công tác triển khai cần khẩn trương sau khi kế hoạch được lãnh đạo Bộ phê duyệt. Các đơn vị chức năng như Cục Di sản văn hoá, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cần phối hợp chặt chẽ để cùng rà soát nội dung, tính chất của từng hoạt động, sao cho yếu tố cơ bản nhất là tôn vinh giá trị các di sản sẽ được thể hiện một cách ấn tượng nhất, đặc biệt đối với những di sản văn hoá đã được UNESCO tôn vinh là di sản thế giới. Theo Thứ trưởng, chất lượng của mỗi nội dung trưng bày cùng các chương trình nghệ thuật đều cần phải rà soát kỹ càng, kết hợp đẩy mạnh truyền thông, quảng bá để thu hút đông đảo người xem.

Định hướng cho các hoạt động của Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam trong thời gian tới, theo Thứ trưởng, cần nỗ lực đổi mới để tạo sự khác biệt, thực chất và tránh hình thức. Ngay từ “mặt tiền” cũng cần tạo ấn tượng thị giác đối với du khách. Về lâu dài, Trung tâm cần mở rộng và tăng cường tính liên kết, xã hội hoá để tăng thêm tiềm lực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, phục vụ các nhiệm vụ chính trị được giao.

 ​Cần xây dựng các chương trình, hoạt động có tính kết nối, sức lan toả để không gian di sản thực sự lôi cuốn, thể hiện được sức sống và giá trị của di sản trong đời sống cộng đồng. Bên cạnh đó, phải nỗ lực đổi mới, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động cũng như cơ sở vật chất để nâng tầm thương hiệu...

(Thứ trưởng Lê Quang Tùng)

 

 HOÀNG NGÂN, ảnh: TRẦN HUẤN

 

Ý kiến bạn đọc