Hà Nội sẽ xây "đồng phục" cho gần 500 trụ sở xã, phường: "Chiếc áo không làm nên thầy tu..."

VH- Liên quan đến chủ trương “mặc đồng phục” cho gần 500 trụ sở xã, phường của Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng đây có thể là ý tưởng tốt nhưng cần phải tính toán cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay và đặc biệt phải làm sao để tránh lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong quá trình thực hiện.

Hà Nội sẽ xây

 Một phương án kiến trúc trụ sở phường được đưa ra lấy ý kiến Nguồn HRAP

Mọi chuyện bắt đầu từ cuộc họp giao ban trực tuyến mới đây của TP.Hà Nội, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, các cơ quan chuyên môn đang tổng hợp ý kiến đóng góp của các quận, huyện vào phương án thiết kế mẫu trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Theo đó, gần 500 trụ sở xã, phường Hà Nội dự tính sẽ thống nhất hình ảnh nhận diện; thống nhất về tiêu chuẩn vật liệu hoàn thiện; bố cục công trình, vật liệu xây dựng hoàn thiện và màu sắc. Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, 483 trụ sở có thể áp dụng thiết kế mẫu khi đầu tư xây dựng. Trong đó có 75 trụ sở cần xây mới, 136 công trình phải cải tạo bổ sung quy mô hoặc xây mới một số hạng mục, 118 công trình đã được xây dựng, chỉ cần cải tạo, sửa chữa.

Về vấn đề này, chiều qua 25.9, trao đổi với phóng viên Văn Hoá GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết: “Tôi cho rằng đó là đề xuất phù hợp với tính chuẩn hoá của các cơ quan hành chính nhưng vấn đề còn lại là chi phí sẽ lấy ở đâu để xây dựng lại, và những trụ sở hiện tại mà mỗi nơi xây theo một kiểu thì sẽ làm gì để không lãng phí. Hay nói cách khác là tiềm lực và giải pháp để chúng ta thực hiện sẽ như thế nào?”.

 ​Việc áp dụng chung một mô hình như thế có phù hợp với đặc điểm về địa lý của từng địa phương không khi Hà Nội, ngoài vùng đồng bằng còn có cả miền núi? Rồi việc xây dựng trụ sở như thế có đảm bảo yếu tố tiện lợi, khoa học không? Và tôi muốn nhấn mạnh một vấn đề nữa là trong quá trình xây dựng và mua sắm, làm sao để chúng ta tránh được thất thoát và tham nhũng? Những câu hỏi đó buộc Hà Nội phải có những đề án cụ thể nếu muốn triển khai chủ trương này. (Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng)

Cũng theo GS Võ, trên thực tế, ở các nước phát triển họ sẽ có những quy định cụ thể để chuẩn mực các cơ quan hành chính, tốt nhất là làm được giống nhau kể cả khuôn chữ như chữ “Uỷ ban nhân dân” sẽ viết theo một khuôn chữ gì đấy. Họ cũng sẽ có những quy định cụ thể để các khuôn đó là giống nhau, màu sơn là giống nhau, kiểu kiến trúc là giống nhau, để người dân dễ nhận ra. Và đó cũng là chuẩn mực hành chính cần thiết. Nhưng tất nhiên đó là chuyện ở những nước giàu, họ làm những chuyện đó là bình thường nhưng như nước ta hiện nay, ngân sách còn đang thiếu thốn thì nếu muốn hướng tới chuyện đó, chúng ta cần phải có những bước đi hợp lý và đặc biệt không gây lãng phí.

Còn theo đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, trước tiên phải thấy được rằng việc xây dựng trụ sở mới là rất lãng phí và phản cảm. Ông Nhưỡng cũng kể lại câu chuyện, khi đoàn giám sát của Quốc hội tới một số địa phương, thấy nhiều trụ sở xây to, đẹp lắm nhưng xây xong thì chẳng để làm gì, có khi làm chợ cũng được.

“Việc sắm sửa, xây dựng trụ sở mới to, đẹp, hoành tráng đôi khi chỉ là để cho oai phong, lẫm liệt mà thôi”, đại biểu Nhưỡng nói. Quay trở lại với câu chuyện của Hà Nội, đại biểu Nhưỡng cho rằng nếu đã tính đến việc thực hiện chủ trương này thì Hà Nội phải tính toán sao cho hài hoà giữa chủ trương và các điều kiện thực tiễn về kinh tế, phải tính đến việc chuyển đổi giữa trụ sở cũ và trụ sở mới như thế nào, vị trí ra sao, có thuận lợi cho người dân không?

“Nếu điều kiện kinh tế tốt thì việc thực hiện được chủ trương đó là hợp lý nhưng chúng ta cần phải tuỳ thuộc vào từng điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể. Việc áp dụng chung một mô hình như thế có phù hợp với đặc điểm về địa lý của từng địa phương không khi Hà Nội, ngoài vùng đồng bằng còn có cả miền núi? Rồi việc xây dựng trụ sở như thế có đảm bảo yếu tố tiện lợi, khoa học không? Và tôi muốn nhấn mạnh một vấn đề nữa là trong quá trình xây dựng và mua sắm, làm sao để chúng ta tránh được thất thoát và tham nhũng? Những câu hỏi đó buộc Hà Nội phải có những đề án cụ thể nếu muốn triển khai chủ trương này”, đại biểu Nhưỡng nói.

Trong một cuộc trưng cầu ý kiến do cơ quan truyền thông tổ chức về chủ trương này của thành phố Hà Nội, trong tổng số 2.773 phiếu thì có tới 2.236 phiếu cho rằng, trụ sở chính quyền không nên thống nhất kiến trúc vì sẽ hạn chế sự sáng tạo, trong khi đó chỉ có 537 ý kiến cho rằng trụ sở chính quyền nên thống nhất kiến trúc, để người dân dễ nhận diện.

 ​ Tôi cho rằng đó là đề xuất phù hợp với tính chuẩn hoá của các cơ quan hành chính nhưng vấn đề còn lại là chi phí sẽ lấy ở đâu để xây dựng lại, và những trụ sở hiện tại mà mỗi nơi xây theo một kiểu thì sẽ làm gì để không lãng phí. Hay nói cách khác là tiềm lực và giải pháp để chúng ta thực hiện sẽ như thế nào? (GS Đặng Hùng Võ)

Bạn Nguyễn Trung Anh (Hà Nội) cho biết: “Thống nhất về hình khối tôi nghĩ phải lập ra cách đây mấy chục năm rồi chứ. Bây giờ mỗi chỗ xây mỗi kiểu, giờ lại lập ra hình khối chung thì đập đi xây lại à? Nhiều lúc lãng phí không cần thiết, quy hoạch mỗi xã, phường dân cư, diện tích khác nhau thì xây quy mô cũng khác nhau, miễn sao hiệu quả công việc, tiếp dân, phục vụ tốt là được”. Bạn đọc Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng: “Rất lãng phí và hoàn toàn chưa cần thiết. Đề nghị dừng đề án này”. Hay bạn đọc Kenthi chia sẻ: “Đúng thế! Cái nào chuẩn bị xây mới thì theo tiêu chuẩn. Còn những cái đang sử dụng tốt nếu thay mới thì rất lãng phí và tốn kém”.

Bên cạnh đó, nhiều người đặt câu hỏi: “Mục đích chính của việc xây”đồng phục” này để làm gì?”; “Cái áo đâu làm nên thầy tu”... “Tôi nghĩ mẫu trụ sở không quan trọng, mà quan trọng là cách tiếp dân, giải quyết công việc cho người dân sao cho nhanh chóng và thuận tiện”, một bạn đọc bày tỏ. Thiết nghĩ Hà Nội nên cân nhắc lại chủ trương này sao cho phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn, tránh gây phản ứng trong dư luận.

 VÂN GIANG

Ý kiến bạn đọc