Đà Nẵng: Người dân “bó tay” vì nước sinh hoạt bị nhiễm mặn

VH- Thời gian gần đây trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tình trạng nước nhiễm mặn đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc cấp nước, gây thiếu nước sinh hoạt cục bộ một số nơi. Nguyên nhân của tình trạng này được xác định là do nguồn nước thô ở cửa thu nước Nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn ở mức độ nghiêm trọng.

Đà Nẵng: Người dân “bó tay” vì nước sinh hoạt bị nhiễm mặn - Anh 1

  Sinh hoạt của người dân đảo lộn do nước bị nhiễm mặn

Đảo lộn sinh hoạt của người dân

Ông Ngô Hùng (khu vực Q. Hải Châu) cho biết, nhà ông và các gia đình lân cận không có nước hoặc rất yếu, không đủ dùng sinh hoạt. “Muốn hứng nước dự trữ cũng khó khăn vì cứ từ 4h chiều trở đi là nước chảy nhỏ giọt, muốn giặt giũ nấu cơm cũng phải tranh thủ vào “giờ hành chính”. Lúc không có nước thì ngồi chơi không cả buổi, lúc nước mạnh hơn chút thì cũng là nửa đêm, giờ đó ai dậy được”, ông Hùng bức xúc. Chị Hoài An (Phan Đăng Lưu, Q. Hải Châu chán nản: “Cả ngày có được 2 bữa cơm mà do vị nước lợ nên không thành bữa, nhà tui không có ai ăn được, bữa nào cũng thừa mứa. Mới đầu không biết tui cứ cố gắng thay đổi khẩu vị cho mọi người, chứ về sau phát hiện ra nguyên nhân là từ nước thì tôi cũng đành… bó tay”.

Dù trước đó Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng đã cải tạo tuyến ống khu vực Phan Đăng Lưu - Lê Thanh Nghị nhưng tình trạng nước thiếu, yếu đâu lại vào đó. Tại địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, nhiều người dân phản ánh vì thiếu nước từ cuối tháng 8, tầm 12h đêm mới hứng được nước khiến mọi sinh hoạt bị đảo lộn.

Nguyên nhân do nước sông Cầu Đỏ

Trước thực trạng này, Xí nghiệp sản xuất nước sạch thuộc Công ty CP cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đã có xác nhận: Nước sinh hoạt của người dân khu vực TP Đà Nẵng có vị lợ do độ mặn nước sông Cầu Đỏ lên cao. Trong 3 tháng gần đây, mặn liên tục xảy ra với tần suất ngày càng dày hơn. Nắng nóng kéo dài tại Đà Nẵng khiến tình trạng nhiễm mặn trên các sông ngày càng cao, ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt. Thực tế này đang xảy ra đối với các hộ gia đình sử dụng nước sông Cầu Đỏ. Tại đây, độ mặn cao nhất lên gần 1700 mg/lít, trong khi tiêu chuẩn của Bộ Y tế là dưới 250mg/lít.

Ông Phạm Việt Hưng, cán bộ phụ trách chất lượng, Xí nghiệp Sản xuất nước sạch, Công ty Dawaco cho biết, hiện tại Nhà máy nước Cầu Đỏ có 2 dây chuyền xử lý. Thứ nhất là dây chuyền lắng ngang và dây chuyền lắng la men. Cả 2 dây chuyền này đều có tác dụng làm sạch nước, trong nước chứ 2 dây chuyền này không có khả năng xử lý được độ mặn. Nhà máy nước Cầu Đỏ mỗi ngày khai thác hàng trăm ngàn m3 nước thô để xử lý cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho cả thành phố, nhưng nguồn nước ở sông Cầu Đỏ nhiễm mặn cao nên hoạt động sản xuất nước thô cũng gặp khó khăn.

Theo ông Phan Lưu, Giám đốc Xí nghiệp sản xuất nước, Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng, vị lợ của nước thủy cục không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng bất tiện cho người sử dụng. Để xử lý độ mặn của nước sông Cầu Đỏ không còn cách nào khác là đóng kín cửa van tại Nhà máy nước Cầu Đỏ, dùng toàn bộ nước ở đập dâng An Trạch, cách Nhà máy nước Cầu Đỏ 8 cây số. Ông Lưu lo ngại đường ống dẫn nước từ An Trạch về không đủ tải để đáp ứng công suất 2.400m3/ngày đêm của Nhà máy nước Cầu Đỏ nên không tránh khỏi nguy cơ thiếu nước trong mùa khô. Độ mặn này cứ đi theo suốt đến cuối mạng lưới, không biến mất đi được nên ở cuối nguồn hay đầu nguồn cũng vẫn cứ chung tình trạng.

Điều này đang cảnh báo tình hình khả năng nước nhiễm mặn tại Đà Nẵng sẽ còn tiếp tục kéo dài. Giải pháp hiện nay mà Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng đang thực hiện là nỗ lực khai thác tất cả các nguồn nước thô có thể để đưa vào sản xuất nước sạch. Đồng thời đề nghị lãnh đạo thành phố xem xét, có giải pháp can thiệp với các cơ quan liên quan điều tiết hoạt động của các nhà máy thủy điện nhằm có thể lấy nước trực tiếp tại vị trí Nhà máy nước Cầu Đỏ để bảo đảm ổn định nguồn nước sinh hoạt cho hơn 1 triệu dân của thành phố và các vùng lân cận. 

 MINH CHÂU

Ý kiến bạn đọc