Đề xuất hơn 58 tỉ USD làm đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam

VH- Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài 1.545 km được đề xuất xây dựng với số vốn hơn 58 tỉ USD, chỉ khai thác riêng tàu khách với vận tốc tối đa 350 km/h. Theo đó, thời gian đi từ Hà Nội tới TP.HCM sẽ được rút ngắn gấp 3-4 lần so với tàu hỏa hiện nay.

Đề xuất hơn 58 tỉ USD làm đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam - Anh 1

Theo thông tin tại cuộc họp Báo cáo giữa kỳ dự án đường sắt tốc độ cao, liên danh tư vấn TEDI-TRICC-TEDIS cho biết, tuyến đường sắt mới dài hơn 1.545 km, hướng tuyến tiếp cận các khu vực trung tâm đô thị. Phân kỳ đầu tư các đoạn Hà Nội - Vinh dài 285km; Vinh - Nha Trang 896km; Nha Trang - TP.HCM 364km. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 58,71 tỷ USD. Trong đó đoạn Hà Nội - Vinh  khoảng 10,83 tỉ USD, Sài Gòn - Nha Trang khoảng 13,83 tỉ USD và đoạn Vinh - Nha Trang là 34,05 tỉ USD. Dự kiến có 23 ga và 5 khu Depot đi qua  22 tỉnh, thành phố, kết nối bằng 23 ga, 5 khu depot, 42 trạm bảo dưỡng. Công nghệ được lựa chọn là đoàn tàu động lực phân tán (EMU), tốc độ khai thác thời kỳ đầu 160 km/h - 200 km/h, hạ tầng đáp ứng tốc độ thiết kế 350 km/h trong tương lai.

Về phương án huy động vốn,  đơn vị tư vấn đề xuất huy động từ vốn trong nước; vốn vay ODA; vốn của doanh nghiệp, tư nhân (PPP); vốn thu từ quỹ đất. Đồng thời nghiên cứu các cơ chế tài chính theo hướng: Đối với kết cấu hạ tầng: Nhà nước cấp phát; Đối với công trình nhà ga: Nguồn ngân sách nhà nước cấp phát kết hợp với xã hội hóa thông qua khai thác quỹ đất và dịch vụ tại các ga đô thị lớn; Đối với phương tiện, đầu máy toa xe: xã hội hóa đầu tư hoặc doanh nghiệp vay lại; nội dung này sẽ tiếp tục được làm rõ trong dự thảo báo cáo nghiên cứu cuối kỳ.

Đối với phương án chạy tàu, các nghiên cứu trước đây đều đề xuất phương án đường sắt tốc độ cao chỉ phục vụ tàu khách; tuyến đường sắt hiện có trong tương lai khi có đường sắt tốc độ cao sẽ được khai thác phục vụ tàu khách địa phương và tàu hàng. Đồng thời, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc đi chung giữa tàu khách và tàu hàng sẽ không khả thi về kinh tế do chi phí tổng thể của dự án sẽ cao; đòi hỏi trang thiết bị chất tải, dỡ tải và kho chứa hàng hóa, quy mô ga lớn… điều đó làm cho chi phí xây dựng tăng cao; giảm năng lực thông hành khoảng 25%.

Trước đó, vào tháng 7.2018, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ dự kiến lộ trình triển khai dự án đường sắt tốc độ cao. Theo đó,  dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào tháng 10.2019.

Nếu được Quốc hội thông qua sẽ triển khai chuẩn bị nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, giải phóng mặt bằng từ 2020 – 2025; Triển khai xây dựng từ 2026, dự kiến đưa vào khai thác đoạn ưu tiên (bao gồm cả đoạn thử nghiệm) năm 2032; tiếp tục triển khai xây dựng các đoạn còn lại từ 2035, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến vào năm 2050…

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông,  so với báo cáo dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trình Quốc hội trước đây, lần này sẽ có nhiều điều chỉnh. Trong đó, báo cáo đã cập nhật dự báo thị phần vận tải, định hướng công nghệ.

H.A

Ý kiến bạn đọc