Vì sao Hạt trưởng bị bắt, Chi cục trưởng tự nguyện giao nộp gỗ?

VH- Gia đình ông Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đã tự nguyện giao nộp 8m3 gỗ cho cơ quan công an. Vì sao lại có chuyện lạ đời như vậy, hoá ra số gỗ này do vợ ông Chi cục trưởng nhờ Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) mua giúp để làm nhà và có dấu kiểm lâm đàng hoàng nhưng lại có dấu hiệu không hợp pháp.

VKSND tỉnh Đắk Nông vừa phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp đối với ông Bùi Văn Khang (56 tuổi), Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Cư M’gar để làm rõ hành vi nhận hàng trăm triệu đồng tiền “bồi dưỡng” và gỗ của trùm gỗ lậu Phan Hữu Phượng (tức Phượng “râu”).

 

Vì sao Hạt trưởng bị bắt, Chi cục trưởng tự nguyện giao nộp gỗ? - Anh 1

Số lượng lớn gỗ của Phượng “râu” bị lực lượng của Bộ Công an bắt giữ

Kiểm lâm được “biếu” gỗ và hàng trăm triệu

Theo công an, trong quá trình mở rộng điều tra vụ án trùm gỗ lậu Phan Hữu Phượng (tức Phượng “râu”, ngụ huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) cơ quan điều tra bước đầu xác định, ông Bùi Văn Khang trong thời gian giữ chức vụ Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn (từ năm 2008 đến năm 2017) là người xác nhận vận chuyển gỗ cho Công ty Thảo Trúc do Phượng “râu” làm chủ tại khu vực biên giới tỉnh Đắk Lắk. Trong đó, ông Khang đã ký xác nhận không đúng quy định nhiều bản kê lâm sản trong thời gian từ tháng 4.2017 đến tháng 9.2017, và được đại diện Công ty Thảo Trúc “lại quả” cho ông Khang bằng hình thức “biếu” gỗ.

Sau đó, ông Khang đã chỉ đạo một số cán bộ hạt kiểm lâm cấp dưới đi đóng búa bổ sung theo tờ trình của Công ty Thảo Trúc, nhưng không kiểm tra giám sát xem kết quả như thế nào. Mục đích đóng búa bổ sung này là để “bù đắp” số lóng gỗ trước đó Công ty Thảo Trúc đã “biếu” cho ông Khang. Ngoài ra, Công ty Thảo Trúc và cá nhân ông Phượng “râu” còn bồi dưỡng cho ông Khang số tiền hàng trăm triệu đồng, số tiền này sau đó ông Khang đã chia lại cho một số cán bộ liên quan.

Ngày 27.4.2018, Bộ Công an bắt giữ hai xe tải chở gỗ lậu của ông trùm Phượng “râu”, đồng thời ập vào thu giữ hàng trăm khối gỗ lậu tại nhiều xưởng trên địa bàn huyện Cư Jút và lán trại khai thác gỗ của ông trùm này tại khu vực biên giới, sát Đồn Biên phòng 747 (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Đắk Lắk). Sau đó, cơ quan công an khởi tố bị can và các lệnh tạm giam 7 bị can, trong đó có 2 bị can bỏ trốn đang bị truy nã.

Chi cục trưởng tự nguyện giao nộp gỗ

Sau khi ông Khang bị bắt, dư luận tỉnh Đắk Lắk xôn xao việc nhà Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh này có số lượng lớn gỗ của Phượng “râu” do ông Khang mang đến.

Trao đổi với phóng viên, ông Y Sy H’Đơk, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk thừa nhận, đúng ở nhà ông có một số cây gỗ do ông Bùi Văn Khang mua dùm rồi mang đến. Theo ông Y Sy H’Đơk, đầu năm 2018, vợ ông muốn làm một nhà sàn nên liên hệ với một số anh em ở hạt xem chỗ nào bán thanh lý thì mua về. Lúc này ông Khang nhận lời mua cho vợ ông 8 cây cột. “Cuối tháng 4.2018, ông Khang chở về dưới nhà, toàn bộ số gỗ đều có dấu búa của hạt kiểm lâm. Lúc đó tôi có hỏi vợ chở gỗ về nhà có giấy tờ thủ tục gì không, thì ông Khang hứa vài ngày nữa bên bán sẽ xuất hóa đơn cho mình thì mình nộp tiền. Tám cái cột này có khối lượng 8m3 là gỗ cà chít, thuộc nhóm 3”, ông Y Sy H’Đơk phân trần.

Cũng theo ông Y Sy H’Đơk, trong thời gian dài gia đình đã nhắc đi nhắc lại ông Khang về việc hóa đơn nhưng ông Khang khất lần. Khi phóng viên đặt vấn đề, số gỗ này mua của công ty nào thì ông Y Sy H’Đơk giải thích gia đình thông qua ông Khang mua chứ không biết của công ty nào. Gỗ có dấu búa của kiểm lâm nên đinh ninh là gỗ hợp pháp. “Trong thời gian dài sau đó, tôi liên tục nhắc vợ mua gỗ là phải có giấy tờ chứ chồng làm chi cục trưởng, vợ mua gỗ bậy bạ là mang tiếng”, ông Y Sy H’Đơk nói và cho biết sau khi biết ông Khang bị khởi tố, bắt giam và số gỗ trên liên quan đến vụ án nên ngày 18.8 vừa qua gia đình ông đã tự nguyện thuê xe chở gỗ xuống giao nộp cho cơ quan điều tra.

Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi, ông nói số gỗ này mua đàng hoàng, có dấu kiểm lâm, vậy tại sao gia đình chở giao nộp cho công an? “Khi cơ quan công an đến làm việc thì gia đình chưa có hợp đồng mua bán nên gỗ đó đồng ý là có búa kiểm lâm nhưng về mặt thủ tục chưa hợp pháp. Để tạo điều kiện cho cơ quan điều tra làm rõ thêm vụ án thì trước mắt gia đình giao nộp. Sau này điều tra xong, gỗ đó là hợp pháp thì cơ quan công an sẽ trả lại cho gia đình. Vợ con mua giờ liên đới tới mình, mệt vậy đó”, ông Y Sy H’Đơk phân trần thêm.

N.ĐÀN - N.MINH

 

Ý kiến bạn đọc