Đề xuất liên thông BHXH cho lao động di cư

VH- Bộ LĐ,TB&XH Việt Nam vừa đăng cai tổ chức Hội nghị quan chức cấp cao về hợp tác lao động Campuchia- Lào- My­anmar –Thái Lan và Việt Nam (CLMTV) lần thứ 4 với chủ đề“An sinh xã hội: Tính liên thông của BHXH cho người lao động di cư trong CLMTV”.

Đề xuất liên thông BHXH cho lao động di cư - Anh 1

  Các đại biểu tham dự hội nghị năm nước CLMTV về liên thông BHXH cho lao động di cư Ảnh: XUÂN QUANG

Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ, ngành, Viện nghiên cứu và các cơ quan liên quan tới lĩnh vực BHXH tại Việt Nam; đại diện các cơ quan phụ trách về BHXH các nước Campuchia – Lào – Myanmar - Thái Lan; Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ban Thư ký ASEAN.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Việt Nam Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh chủ đề lần này của Hội nghị phù hợp với mục tiêu nhằm hiện thực hóa cam kết được đưa ra trong Tuyên bố chung của các Bộ trưởng tại Hội nghị Bộ trưởng về Hợp tác lao động trong CLMTV lần thứ 2, đồng thời phù hợp với ưu tiên đảm bảo an sinh xã hội trong đó có đảm bảo việc đóng và hưởng BHXH đối với người lao động di cư trước bối cảnh lao động di cư đang ngày càng gia tăng giữa năm nước.

Tại hội nghị, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết, theo số liệu thống kê, năm 2017 lao động nhập cư làm việc tại Việt Nam là các chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành và lao động kỹ thuật chiếm 95%, còn lại là các đối tượng học sinh sinh viên làm việc tại Việt Nam, người lao động nước ngoài đến Việt Nam xử lý các trường hợp khẩn cấp hoặc theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, lao động nhập cư đến từ các nước CLMT khoảng hơn 1.000 người; còn lao động xuất cư từ Việt Nam sang các nước này là hơn 76.000 người theo cả hình thức cá nhân tự do và các doanh nghiệp, tổ chức.

Luật BHXH 2014 quy định người nước ngoài lao động hợp pháp tại Việt Nam là đối tượng đóng BHXH bắt buộc từ ngày 1.1.2018. Hiện nay, Bộ LĐ,TB&XH đang phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng dự thảo nghị định hướng dẫn thực hiện việc đóng BHXH cho lao động là người nước ngoài. Do đó, hiện nay cơ quan BHXH chưa thực hiện thu BHXH cho đối tượng này. Theo dự thảo nghị định, từ nay đến hết năm 2021 thì người lao động không phải đóng góp nhưng chủ sử dụng lao động phải đóng 3,5% tiền lương, bao gồm 3% vào quỹ ốm đau, thai sản; 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Từ ngày 1.1.2022 trở đi, người nước ngoài lao động tại Việt Nam phải đóng 8% vào quỹ hưu trí và tử tuất; chủ sử dụng lao động đóng 17,5%, trong đó 3% vào quỹ ốm đau và thai sản, 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Chính sách BHXH cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hiện nay đang được áp dụng theo hai hình thức tương tự như BHXH bắt buộc (người lao động đóng 8%, chủ sử dụng lao động đóng 17,5%) và BHXH tự nguyện đối với người lao động trong nước (người lao động đóng 22% tiền lương tháng đóng BHXH trước khi đi làm việc ở nước ngoài, nếu chưa từng tham gia BHXH bắt buộc thì đóng 22% của hai lần mức lương cơ sở). Người lao động đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH nơi cư trú của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Ông Trần Hải Nam cho rằng, năm nước CLMTV cần tăng cường ký kết các Hiệp định song phương về BHXH giữa các nước, tiến tới ký kết các Hiệp định đa phương, trong quá trình đàm phán cần lưu ý việc người lao động mong muốn lấy lại khoản tiền BHXH đã đóng khi làm việc ở nước ngoài khi về nước. “Quan điểm của Việt Nam tại hội nghị là cần thúc đẩy liên thông BHXH song phương giữa các nước CLMTV, sau đó mới tiến hành liên thông BHXH thống nhất trong CLMTV vì đây là một quá trình đòi hỏi mất nhiều thời gian trong khi hệ thống BHXH của năm nước phát triển không tương đồng”, ông Nam nói.

Cũng theo Phó vụ trưởng Vụ BHXH, lợi ích của việc thực hiện liên thông BHXH cho người lao động di cư là tránh được tình trạng người lao động phải đóng BHXH hai lần; đồng thời đảm bảo quyền lợi về BHXH cho lao động Việt Nam và lao động các nước. Đồng thời, việc liên thông này cũng đáp ứng việc mở rộng hơn nữa độ bao phủ về BHXH cho người lao động di cư của năm nước, góp phần đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho người lao động.

QUỲNH HOA

 

Ý kiến bạn đọc