Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Quảng bá ẩm thực miền Trung: Cần sự chung tay của nghệ nhân và doanh nhân

Thứ Ba 17/08/2021 | 19:02 GMT+7

VHO- Trên bản đồ ẩm thực của nước ta, dải đất miền Trung luôn nổi bật với nhiều đặc sản riêng biệt không pha trộn với những vùng miền khác. Những yếu tố thuộc về bản sắc riêng ấy luôn được xem là lợi thế cạnh tranh, trong việc thu hút khách du lịch đến với các địa phương.

Nhưng dường như bấy lâu nay, việc quảng bá ẩm thực miền Trung có sự kết hợp bài bản giữa các nghệ nhân ẩm thực và doanh nghiệp kinh doanh mới chỉ dừng lại ở những hoạt động đơn lẻ, thiếu chiều sâu. Điều này phần nào cho thấy có một sự bất hợp lý, nhất là trong bối cảnh kinh doanh ẩm thực đang là một lĩnh vực được chú trọng của công nghiệp văn hóa.

Quảng bá ẩm thực kết hợp du lịch tại Quảng Nam. Ảnh: Quốc Tuấn

Phát huy giá trị văn hóa ẩm thực đặc trưng 

Nhiều năm trở lại đây, ẩm thực Việt Nam nói chung và ẩm thực các tỉnh thành miền Trung nói riêng, ngày càng được bạn bè quốc tế biết đến. Tại lễ trao Giải thưởng Du lịch quốc tế - World Travel Awards (WTA) 2019 khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam lần đầu tiên được thế giới công nhận và ghi danh là Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019. Trang du lịch của CNN từng vinh danh ẩm thực Việt, với những hương vị hấp dẫn khách quốc tế nhất, nhiều món ăn được nhắc đến có nguồn gốc từ miền Trung. Và không ít kênh truyền hình, tạp chí ẩm thực thế giới đã tìm đến Huế, Hội An, Đà Nẵng... để làm các phóng sự về ẩm thực Việt Nam như Tạp chí Food and Wine, Kênh Truyền hình CNN, Kênh NAT GEO Adventure… 

Món Bách xèo Quảng Bình gây thương nhớ cho thực khách

Vào sáng ngày 14.8 vừa qua, trong tọa đàm trực tuyến Giá trị thực dụng - Nền văn hóa ẩm thực miền Trung, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cũng thêm một lần nữa nhấn mạnh, với sự phong phú, đa dạng, hài hòa và tinh tế, ẩm thực Việt Nam được coi là di sản văn hóa, cũng là tài nguyên du lịch quý giá của Việt Nam. Đồng thời, du lịch cũng đang làm cho các giá trị của di sản văn hóa và ẩm thực Việt Nam được tôn vinh và tỏa sáng.

Nói về sự khác biệt trong văn hóa ẩm thực của mảnh đất Trung Bộ, TS. Đoàn Minh Phú, Tổng Giám Đốc chuỗi Nhà hàng Siêu thị Thế giới Hải Sản, Ủy viên BCH Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) cho rằng: “Các yếu tố địa hình, văn hóa, khí hậu, con người ảnh hưởng sâu sắc đến nền ẩm thực miền Trung, với các đặc trưng nổi bật là cay, mặn, chua, chát, trong văn hóa ẩm thực của mảnh đất này, ớt được ví như “nhạc trưởng”. Ẩm thực miền Trung tuy phong phú, đa dạng, nhưng về căn bản chia làm hai nhánh: Bên cạnh lối ẩm thực cầu kỳ mang tính cung đình, nặng về lễ nghi lại có lối ẩm thực rất bình dân, dung dị, đơn giản”.

Món Nem lụi Huế được nhiều thực khách yêu thích

Trong báo cáo về xu hướng du lịch năm 2017, Virtuoso - Mạng lưới toàn cầu của các đại lý du lịch hạng sang nhận định, ít nhất trong một thập kỷ tới, du lịch ẩm thực sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu với những tour ẩm thực thực sự. Tâm lý du khách khi đi đến bất cứ đâu, họ không chỉ muốn thưởng thức hương vị của món ăn địa phương mà còn muốn dùng bữa theo cách của người dân bản địa. Và không quá khi nói ẩm thực miền Trung đầy ắp những thế mạnh “trời cho” như: Cách thức chọn lựa nguyên liệu, chế biến, bày biện và thưởng thức món ăn ẩn chứa nhiều nét tinh tế riêng biệt. Hay trong chính nội tại của nó đã có sự tích lũy văn hóa và trí tuệ sáng tạo của người Việt Nam qua hàng thế kỷ.

Kết hợp yếu tố nghệ nhân và doanh nhân

Nếu đến Quảng Nam mà không thưởng thức món mì Quảng thì là đã bỏ lỡ một sự khám phá thú vị 

So với ngành công nghiệp thực phẩm (food industry) truyền thống, thì thương mại ẩm thực (cuisine trade), công nghiệp nhà hàng (restaurant industry) là hai loại hình kinh doanh còn tương đối mới tại Việt Nam. Thế nhưng đó lại là “con gà đẻ trứng vàng”, là xu hướng phát triển của các nhà hàng, khách sạn... trên thế giới. Trên thực tế, khi phát triển công nghiệp văn hóa, nhiều chuyên gia kinh tế hay đặt sự quan tâm vào các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh mà bỏ quên nguồn lợi nhuận khổng lồ từ kinh doanh ẩm thực. Nghiên cứu Dining out as cultural trade (ăn tiệm dưới góc nhìn thương mại văn hóa) của Đại học Minnesota công bố trên website thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER) đã chỉ ra rằng, giá trị của ngành kinh doanh ẩm thực, nhà hàng lớn gấp khoảng mười lần so với thị trường âm nhạc và điện ảnh. Do đó, việc phát triển kinh tế từ ẩm thực không bao giờ là câu chuyện muộn màng cả!

Thịt heo cuốn bánh tráng, món đặc sản xứ Quảng giờ có mặt ở nhiều tỉnh thành trong nước

Làm gì để chúng ta có thể quảng bá, phát huy giá trị, cũng như thương mại hóa các món ăn đặc sản của miền Trung, TS. Nguyễn Huỳnh Đạt, Tổng Giám Đốc Công ty cổ phần Ông Bếp TP. Hồ Chí Minh phân tích: “Cần xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp kinh doanh món ăn đặc sản miền Trung. Chính doanh nghiệp phải ý thức thương hiệu là vấn đề sống còn để có thể đứng vững trên thị trường. Nhưng muốn làm được điều đó, yếu tố quyết định là nghệ nhân (nhà nghiên cứu) và doanh nhân phải bắt tay cùng nhau. Trong việc xây dựng thương hiệu, nghệ nhân chính là điều kiện cần và doanh nhân là điều kiện đủ”.

Nghệ nhân Ẩm thực Tôn Nữ Thị Hà- Truyền nhân nghệ nhân Ẩm thực cung đình Huế

Đây cũng là hai trong bốn yếu tố quan trọng được ông Lê Tân, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) chia sẻ, khi nói về chuỗi sự kiện Du lịch văn hóa ẩm thực – Con đường di sản miền Trung: “Mục tiêu của chuỗi sự kiện là hướng tới việc liên kết “Bốn nhà” (nhà nước, nhà nghiên cứu, nhà nông và nhà kinh doanh) để lan tỏa rộng rãi hơn phong vị cảm thụ ẩm thực đặc trưng của miền Trung”.

Mỗi món ăn đều chứa đựng bí quyết thể hiện sự tài hoa của nghệ nhân

Thương mại ẩm thực, công nghiệp nhà hàng vừa là ngành kinh doanh nhưng đồng thời chúng cũng là câu chuyện giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống. Kinh doanh ẩm thực phát triển chính là tạo dựng và củng cố cầu nối, nâng tầm ảnh hưởng từ nền văn hóa độc đáo của một quốc gia đến với thế giới. Và ngược lại, thương mại, chính là lá chắn bảo vệ tốt nhất cho nền ẩm thực truyền thống cùng nhiều lĩnh vực, ngành, nghề liên quan khác. Vì vậy, kinh doanh ẩm thực Việt Nam vẫn còn phải vượt qua nhiều thách thức để xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh của mình.

 

VŨ MỪNG

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top