Hà Nội ơi, “nàng” ... thơm như phở

VH- Sẽ chẳng có gì nhiều để nói nếu như nhân vật dành tình yêu không biết mệt mỏi cho Hà Nội trong bài viết này không phải là một người nước ngoài. Martin Rama, tân Giám đốc Dự án tại Trung tâm Phát triển đô thị bền vững (thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), tác giả cuốn “Hà Nội, một chốn rong chơi” cho biết, dù Hà Nội có thay đổi như thế nào thì trong mắt ông, “nàng” vẫn luôn là người tình quyến rũ.

Hà Nội ơi, “nàng” ... thơm như phở - Anh 1

“Tôi yêu một chốn rong chơi!”

Martin Rama là chuyên gia kinh tế người Uruguay. Sau 20 năm làm việc cho Ngân hàng Thế giới tại nhiều quốc gia và hơn 8 năm gắn bó với Hà Nội, mới đây ông được bổ nhiệm là Giám đốc dự án tại Trung tâm Phát triển đô thị bền vững. Với ông, đây là cơ hội để tiếp tục yêu và đắm đuối với “người tình” hơn ngàn năm tuổi của mình. “Tôi sẽ rất hạnh phúc nếu như tôi có thể đóng góp, dù chỉ một chút, để làm cho Hà Nội tỏa sáng như một thành phố tuyệt vời. Bởi vì đó là một thành phố mà cả thế giới yêu thích”, Martin Rama chia sẻ.

Vì yêu, nên ông mới gọi một Thủ đô với hàng ngàn điều pha tạp, xô bồ là “nàng”. Cuốn sách “Hà Nội, một chốn rong chơi” cũng được ông thừa nhận là sản phẩm của tình yêu. Cái cách mà ông yêu Hà Nội cũng thật khác lạ. “Tôi yêu Hà Nội ngay từ lần đầu gặp gỡ, vào tháng 10 năm 1998 và đến giờ, tình yêu đó vẫn chưa hề nhạt phai. Như một phần công việc ở Ngân hàng Thế giới, tôi đã hỗ trợ và cộng tác với Chính phủ của rất nhiều nước đang phát triển. Nhưng chưa bao giờ tôi có ý định sống cố định ở một nơi nào, trừ Việt Nam”, Martin Rama thổ lộ.

Vì yêu, nên 8 năm sống tại Hà Nội là khoảng thời gian Martin Rama thỏa thích dạo chơi khắp các ngõ ngách, những cuộc dạo chơi không bao giờ biết đích đến. Ông cũng đã chụp hàng ngàn bức ảnh, đọc tất cả những gì viết về thành phố này với hi vọng rằng mình có thể biết và hiểu Hà Nội nhiều hơn cả những người đã đến trước, và cả những ai sẽ đến sau này.

Vì yêu, nên trong sự hỗn loạn, trong cái ồn ào, trong bầu không khí ô nhiễm khiến người ta dễ bỏ qua những thứ ẩn sâu thì Martin Rama lại điềm tĩnh nhận thấy những tiềm năng để Hà Nội có thể trở thành một đô thị tốt nhất Đông Nam Á. “Bản thân người Hà Nội dù đều có một tình yêu chung đối với thành phố của mình nhưng họ cũng khó nói được chính xác điều gì khiến “nàng” đặc biệt đến vậy. Khách du lịch nước ngoài cũng thế, họ dễ dàng bị quyến rũ bởi sự duyên dáng của thành phố, nhưng nhiều người vẫn không lý giải được tại sao…”, Martin nói.

Những cuộc dạo chơi cũng khiến Martin Rama hiểu Hà Nội đến chân tơ kẽ tóc. Không chỉ vanh vách nói về những phong cách trang trí nghệ thuật, kiến trúc của Thủ đô mà ông còn thuộc lịch sử từng phố cổ, với hàng trăm làng nghề thủ công truyền thống, cũng như tiếc nuối thở than khi nhiều làng nghề ngày càng mai một. Phong cách kiến trúc của những ngôi nhà rêu phong, kể cả sự hỗn loạn, lộn xộn, phố xá bừa bộn của Hà Nội trong mắt nhìn của hầu hết du khách nước ngoài khi lần đầu tiên đến thủ đô này…, với Martin Rama, tất cả đều đáng yêu.

Hà Nội ơi, “nàng” ... thơm như phở - Anh 2

Hà Nội như một… bát phở

Hết gọi là “nàng”, không ít người cũng sẽ ồ lên khi Martin Rama so sánh tình yêu của mình giống như một bát phở. “Mùi vị của nước dùng, của khoảng hai chục thứ nguyên liệu tươi ngon sẵn sàng làm cho người ta bị mê hoặc. Tuy nhiên, ngoài những thứ hiển nhiên mà ai cũng nhìn thấy là bánh phở và thịt thì không phải ai trong số những người đang thưởng thức bát phở sáng trên đường đi làm kia cũng có thể kể được đầy đủ nguyên liệu làm nên món ăn này…”.

Bằng góc nhìn ngọt ngào đó, ông cũng thấy rằng trong khi nhiều thành phố lớn ở Đông Á đang trở nên xấu xí hoặc buồn tẻ không cứu chữa nổi thì Hà Nội vẫn luôn là một thành phố đáng sống, hơn thế còn là một thành phố rất đáng yêu. Ông ví von rằng không quá ngạc nhiên ở một đất nước có nền ẩm thực phong phú, Hà Nội giống như một món ăn được chế biến bằng những nguyên liệu tươi ngon, với liều lượng lý tưởng. Cách nhìn đó dường như khiến Martin Rama khỏa lấp mọi khiếm khuyết nơi thực thể vẫn bị nhiều người nhìn nhận là chứa đựng sự hỗn tạp, xô bồ và luôn luôn chuyển động. Với ông, Hà Nội là nơi mà ban ngày cuộc sống phơi bày khắp nơi trên hè phố, ban đêm thì tình yêu lại thăng hoa trên những yên xe. “Ngay cả cái sự hỗn loạn hiển nhiên kia cũng dễ làm người khác hiểu nhầm, vì chính nó đang bảo vệ một sự cân bằng mong manh giữa bảo tồn và biến đổi, cho phép kết cấu của xã hội có thể thích nghi mà không bị triệt tiêu”, Martin Rama bộc bạch.

Niềm tin từ tình yêu Hà Nội

Hiểu Hà Nội đến mức nhận ra rằng đồ ăn đường phố thủ đô cũng tinh tế chẳng kém gì đồ ăn trong nhà hàng, Martin Rama như không thể giấu được cảm xúc với mảnh đất mà ông yêu quý, từ những góc nhìn cận cảnh nhất. “Chỗ ngồi ăn có thể hơi bừa bộn nhưng đó lại là nơi bạn có thể nhìn cuộc sống được gần nhất, cuộc sống của những người Hà Nội thích được ăn uống trên hè phố hơn là trong những căn phòng chật chội của họ ở phố cổ.

Martin Rama là một trong số hiếm hoi những người nước ngoài thực sự khát khao làm được những điều lý tưởng cho Hà Nội. Ấn tượng của ông khi mới đến Hà Nội là người dân thành phố chủ yếu vẫn đi xe đạp, còn giờ đây, những dòng xe máy đã kín đặc đường phố, và số lượng ô tô đang tăng lên nhanh chóng, đe dọa làm giao thông tắc nghẽn. Và đi giữa dòng chảy đó, vẫn có một Martin Rama lặng lẽ mong muốn bảo vệ nét đẹp truyền thống cho “nàng thơ” mang tên Hà Nội của mình.

Một trong số những ý tưởng được ông lựa chọn là đề xuất cải tạo các khu tập thể cũ của Hà Nội theo cách giữ nguyên hình dáng ban đầu, cư dân cũ không bị chuyển đi và thay đổi chỉ là việc chồng thêm tầng cũng như sinh lợi từ những công trình cải tạo. Khu tập thể theo dự án cải tạo của Martin sẽ trở thành những bảo tàng sống, với những con người cũ và mới đan xen. Trước khi đưa ra đề xuất này, Martin Rama từng thử nghiệm cải tạo tòa biệt thự cũ của Pháp, nơi ông từng sống ở Hà Nội trong 8 năm. Ông cũng đặt nhiều hy vọng về tính khả thi của dự án.

“Tôi chọn các khu tập thể cũ làm đề tài cho dự án là bởi các công trình này mang phong cách riêng của một thời kỳ lịch sử, gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ người Hà Nội. Khu tập thể cũ trong ký ức Hà Nội chính là di sản cần được bảo tồn trong nhịp độ phát triển chung của thành phố...”, Martin Rama cho biết. Điều đặc biệt là ông đã nghiên cứu và đề xuất ý tưởng này hoàn toàn tự nguyện, với lý do duy nhất là tình yêu Hà Nội.

“Việc giữ gìn một Hà Nội giàu bản sắc văn hóa bằng việc bảo tồn, phát huy kiến trúc cổ kính bên cạnh những tòa nhà hiện đại chính là con đường đầu tư, phát triển đô thị một cách bền vững nhất”, Martin Rama nói. Ông chia sẻ, dự án có thể không thành công, nhưng không thể thiếu sự kiên định, bền bỉ và nỗ lực. Bởi với ông, “nàng” luôn là một thành phố vô cùng quyến rũ và lạ lùng. Chỉ riêng điều đó đã quá đủ để biện minh cho những nỗ lực không mệt mỏi của người đàn ông không đến từ Hà Nội này.

Sống ở Hà Nội gần 10 năm, Martin Rama đã đón nhiều cái Tết Nguyên đán cổ truyền ở Thủ đô mà ông có nhiều yêu thương, gắn bó này. Ấn tượng lớn nhất của Martin Rama về Tết Việt Nam là hình ảnh những cành hoa đào trên đường phố; về cách mà người Việt Nam đi thăm hỏi, chúc tụng bố mẹ, họ hàng, thầy cô, bạn bè… trong những ngày đầu năm mới.

Nguyễn Thu Trang

Ý kiến bạn đọc