Hải Phòng: Nghiên cứu, bàn các giải pháp thăm dò, khảo cổ bãi cọc Cao Quỳ

VHO- Căn cứ Hội nghị công bố kết quả khai quật khảo cổ học tại cánh đồng Cao Quỳ trong quần thể di tích Bạch Đằng Giang, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên và các ý kiến tại Hội nghị của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, ngày 29.12, Thường trực Thành ủy Hải Phòng làm việc với các chuyên gia, các nhà khoa học, các cấp, các ngành liên quan nghiên cứu, bàn các giải pháp thăm dò, thám sát, khảo cổ bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ.

Hải Phòng: Nghiên cứu, bàn các giải pháp thăm dò, khảo cổ bãi cọc Cao Quỳ - Anh 1

Thường trực thành ủy Hải Phòng làm việc với các nhà khoa học

Tại hội nghị, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư liên ngành Lịch sử- Khảo cổ- Dân tộc học, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hoá quốc gia; GS Mai Trọng Nhuận, chuyên gia khoa học tài nguyên trái đất, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Vũ Văn Quân, Chủ nhiệm khoa Sử Đại học KHXHNV; TS Nguyễn Gia Đối, quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học... phát biểu nhiều ý kiến tâm huyết, vui mừng với việc phát lộ bãi cọc Cao Quỳ tại xã Liên Khê, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng, mở ra hướng nghiên cứu mới về trận chiến Bạch Đằng giang chiến thắng quân Nguyên Mông của quân dân nhà Trần năm 1288. Các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đề xuất một số giải pháp tiếp tục nghiên cứu, xác định rõ quy mô, tìm thêm những chứng tích lịch sử.... Đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể, sử dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, hiện đại nhất để thực hiện.

Hải Phòng: Nghiên cứu, bàn các giải pháp thăm dò, khảo cổ bãi cọc Cao Quỳ - Anh 2

 Khảo sát thực địa

Tại Hội nghị, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đều nhận định việc phát hiện bãi cọc tại khu vực cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên là một phát hiện rất quan trọng của ngành khảo cổ học Việt Nam; việc phát hiện được các bãi cọc - chứng tích một phần của các trận địa năm xưa có ý nghĩa rất quan trọng về mặt khoa học quân sự và văn hóa lịch sử; từ đây sẽ mở ra hướng nghiên cứu mới về trận Bạch Đằng năm 1288 được Trần Hưng Đạo sử dụng để ngăn chặn quân Nguyên Mông. Các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nhằm nghiên cứu, xác định rõ quy mô, tìm thêm những chứng tích lịch sử; xây dựng kế hoạch cụ thể, sử dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, hiện đại nhất để thực hiện. Đồng thời, lãnh đạo TP Hải Phòng rất quan tâm, tạo điều kiện để các các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu tiếp cận hiện trường, có các bước đi đầu tiên để thực hiện nhiệm vụ.

Thay mặt lãnh đạo TP Hải Phòng, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng vui mừng chào đón các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu và khẳng định việc tiếp tục nghiên cứu, xác định các giải pháp thăm dò, khảo cổ bãi cọc là rất quan trọng và cần thiết. TP Hải Phòng đã giao các sở, ngành thực hiện quy hoạch bước đầu để giữ lại các khu vực lân cận; nhanh chóng triển khai các thủ tục để đề nghị công nhận di tích lịch sử cấp thành phố, tiến tới công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt cho bãi cọc.

Hải Phòng: Nghiên cứu, bàn các giải pháp thăm dò, khảo cổ bãi cọc Cao Quỳ - Anh 3

 Các nhà khoa học khảo sát tại bãi cọc

Bí thư Thành ủy Hải Phòng đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu cần tổ chức thăm dò, khảo sát quy mô bãi cọc theo trọng tâm, trọng điểm. Trên cơ sở đó sẽ xác định những công việc cần thiết tiếp theo. Các ngành Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, huyện Thủy Nguyên và các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch trong khu vực; có phương án bảo quản, phát huy giá trị lịch sử di tích. Đồng thời, tạo điều kiện tối đa cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu khảo sát tại đây. Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu khảo sát, xác định quy mô bãi cọc tại thực địa. Trong ngày 29.12, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu khảo sát và thực hiện các biện pháp kỹ thuật thăm dò, xác định quy mô bãi cọc tại khu vực cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.

ĐĂNG HÙNG

Ý kiến bạn đọc