Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Vì tụt hậu nên người học không còn yêu thích?

Thứ Hai 01/10/2018 | 09:50 GMT+7

VH-  Nguồn nhân lực ngành khoa học xã hội và nhân văn (KHXHNV) đang tụt hậu so với yêu cầu, trong khi người học không mặn mòi đến với ngành học này,... là những thực tế được các chuyên gia chỉ ra tại Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển nguồn nhân lực khoa học xã hội và nhân văn trong bối cảnh hội nhập toàn cầu”, do Trường ĐH Văn Hiến (TP.HCM) phối hợp với Trường ĐH Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) tổ chức mới đây.

Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người học không còn yêu thích nhóm ngành KHXHNV, trong đó đáng chú ý là chương trình học còn mang nặng tính lý thuyết, trừu tượng và người học gian nan trên đường tìm việc.

Theo ThS Đào Quang Bình, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, những năm trở lại đây, chất lượng đào tạo của sinh viên theo học các nhóm ngành KHXHNV có sự thay đổi tích cực. “Nhưng có một thực trạng mà chúng ta phải nhìn nhận, nhóm ngành KHXHNV lại khá tụt hậu. Hoạt động dạy học ở các ngành này đã hạn chế và giảm sút sự quan tâm của người học so với các ngành khoa học khác như kinh tế, kỹ thuật, sinh học và tin học”, ThS Bình trăn trở. Cùng quan điểm, NCS Nguyễn Thị Hồng Thủy, Trường ĐH Văn Hiến cho rằng, tốt nghiệp ĐH nhóm ngành KHXHNV ra, không ít cử nhân vẫn gian nan trên đường tìm việc hoặc tìm được việc làm nhưng không theo đúng chuyên ngành mình đã chọn. Tình trạng lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao này là do giữa đơn vị đào tạo và nơi sử dụng lao động chưa gặp nhau, chất lượng nguồn nhân lực có vấn đề, ngày càng ít người học tìm đến nhóm ngành KHXHNV.

 ​So với chuẩn quốc tế, KHXHNV Việt Nam gần như chưa khắc phục được tình trạng tụt hậu, đặc biệt phải kể đến nhược điểm lớn nhất là tách nghiên cứu với đào tạo giảng dạy. Sự tách rời các viện nghiên cứu và các trường ĐH là một trong những trở ngại lớn trong sự phát triển và hội nhập của KHXHNV hiện nay. (GS.TS Đặng Nguyên Anh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

TS Tiêu Thị Mỹ Hồng, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội minh chứng, trong những năm vừa qua, công tác tuyển sinh của khối ngành KHXHNV gặp nhiều khó khăn. Số lượng thí sinh thi vào lĩnh vực này ngày càng ít, số học sinh giỏi các cấp, đặc biệt là học sinh giỏi quốc gia nộp hồ sơ lại càng khiêm tốn. Do số lượng thí sinh quá ít, một số trường phải ngừng tuyển sinh, đóng cửa mã ngành hoặc tìm cách tăng nguồn tuyển bằng cách mở thêm ngành mới.

 Sinh viên một trường ĐH tại TP.HCM các ngành đào tạo nghệ thuật, KHXHNV đi thực tế tại Huế Ảnh minh họa

Giảng viên này cho hay, ngay cả đến Trường ĐH KHXHNV thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội - một trường có uy tín, tương đối dễ dàng trong công tác tuyển sinh với điểm đầu vào thuộc tốp cao so với các trường có khối ngành KHXHNV khác nhưng những năm gần đây bình quân mỗi năm số thí sinh thi khối C giảm đi 10%. Đây là sự sụt giảm liên tục và trở thành xu hướng chứ không phải hiện tượng nhất thời của một năm nào đó. Việc học sinh phổ thông ít thi khối C cũng có nghĩa là số lượng người lựa chọn nghề thuộc lĩnh vực KHXHNV ngày càng ít, đặc biệt là một số ngành có tác động rất lớn tới đời sống tinh thần của con người, góp phần không nhỏ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc như: nhân học, tâm lý, nghệ thuật, khảo cổ, lịch sử, triết học, văn học, chính trị…

Năm 2018, số lượng thí sinh chọn tổ hợp KHXH đã tăng lên, số hồ sơ xét tuyển ĐH vào khối ngành này cũng tăng lên đáng kể. Nhưng tín hiệu này lại không dành cho tất cả các ngành thuộc nhóm ngành KHXHNV.

GS.TS Đặng Nguyên Anh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phân tích, so với chuẩn quốc tế, KHXHNV Việt Nam gần như chưa khắc phục được tình trạng tụt hậu, đặc biệt phải kể đến nhược điểm lớn nhất là tách nghiên cứu với đào tạo giảng dạy. Sự tách rời các viện nghiên cứu và các trường ĐH là một trong những trở ngại lớn trong sự phát triển và hội nhập của KHXHNV hiện nay.

Theo các chuyên gia, chúng ta cần phải xem lại chương trình đào tạo KHXHNV tại các trường ĐH, cần thiết kế lại phương pháp đào tạo cho sinh viên như cung cấp một nền tảng chung về khoa học xã hội, từ thiết kế nghiên cứu ban đầu, phương pháp tiếp cận tư liệu cho đến nêu ý tưởng vấn đề quan tâm. Cách làm này sẽ cho sinh viên một nền tảng cơ bản về kỹ năng làm khoa học và sẽ tiến bộ hơn khi họ có “độ nhạy” xã hội. Song song đó, đầu tư hệ thống thư viện KHXHNV chuẩn.

Nhìn nhận về nhân lực ngành văn hóa, PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển, nói rằng việc bảo vệ các di sản trước cơn lốc của đô thị hóa tại Việt Nam và tại TP.HCM cũng không nằm ngoài thông lệ thế giới. Nhiều di sản kiến trúc, di sản lịch sử đã phải nhường bước cho đô thị hóa. Nguồn nhân lực các ngành Văn hóa học, Sử học, Nhân học, Việt Nam học... đáp ứng yêu cầu của lĩnh vực này lại đang thiếu. Tuy thế, trong quá trình đô thị hóa, nhiều di sản chưa được xếp hạng bị xâm hại khá nặng nề, ví dụ như hệ thống đình, chùa, miếu ở khu đô thị hóa mới Thủ Thiêm, hoặc những căn biệt thự cổ theo kiểu kiến trúc Pháp, những căn nhà cổ truyền thống cũng đã biến mất. Phải chăng nguồn nhân lực KHXH đã không được sử dụng tối đa và hiệu quả trong lĩnh vực này? 

 T.TRANG

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top