Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Dinh Thượng Thơ cần được bảo tồn nguyên trạng

Thứ Hai 01/10/2018 | 09:41 GMT+7

VH- Tại Hội thảo đánh giá về giá trị và giải pháp bảo tồn công trình kiến trúc địa chỉ 59-61 Lý Tự Trọng (quận 1) do Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM vừa tổ chức, hầu hết ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về văn hóa, lịch sử và kiến trúc khẳng định giữ lại Dinh Thượng Thơ là chuyện đương nhiên. Vấn đề cần bàn là giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của công trình kiến trúc cổ này.

 Hầu hết đại biểu ủng hộ việc giữ lại Dinh Thượng Thơ và bảo tồn nguyên trạng tại chỗ

Hoàn thiện ngay cơ sở pháp lý

Theo GS.TS.KTS Nguyễn Trọng Hòa, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, một trong những bức xúc nhất liên quan đến công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố hiện nay là hàng loạt chủ đầu tư xin phép tháo dỡ một số các biệt thự cũ để xây dựng mới. Trong số này, có những công trình tuy chưa được xếp hạng di tích, nhưng không phải là không có giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, rồi cho là không cần bảo tồn. Riêng đối với tòa nhà Dinh Thượng Thơ tại số 59-61 đường Lý Tự Trọng, thời gian gần đây có khá nhiều ý kiến tranh luận vềviệc bảo tồn hay tháo dỡ để phục vụ cho việc cải tạo, mở rộng trụ sở làm việc của UBND TP.HCM.

Phân tích vềgiá trị di sản của công trình, ông Hòa khẳng định đây là một dinh thự cũ còn khá nguyên vẹn, có khối tích khá đồ sộ, đặc trưng cho thể loại công trình kiến trúc mà người Pháp đã xây dựng trước đây tại khu vực khí hậu nhiệt đới Đông Nam Á, nên có giá trị về mặt kiến trúc rất rõ, còn giá trị về lịch sử và văn hóa thì khỏi phải nói nữa. Vì thế, không thể nói Dinh Thượng Thơ không nằm trong danh sách kiểm kê bảo tồn mà muốn làm gì cũng được. Ông cho rằng, việc cần làm đầu tiên là phải đưa ngay công trình này vào danh mục kiểm kê bảo tồn để bắt buộc phải bảo tồn theo các quy định của Luật Di sản văn hóa.

Đồng quan điểm, PGS.TS.KTS Trần Văn Khải, Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM nhấn mạnh, thật sai lầm khi cho rằng được phép phá bỏ Dinh Thượng Thơ do công trình chưa được xếp hạng. Việc phá bỏ các di sản kiến trúc đô thị kiểu như thế bị coi là hành vi “tự sát vềvăn hóa”. Bởi bảo tồn di sản kiến trúc đô thị là tạo động lực cho sự phát triển kinh tế và xã hội, quảng bá di sản dân tộc… Thực tế cũng cho thấy, các thành phố có bản sắc nổi bật là nơi hấp dẫn về đầu tư, du lịch… Chính vì vậy, nếu lỗi do chưa được xếp hạng hay đưa vào danh mục kiểm kê di tích thì ngay từ bây giờ, phải tiến hành hoàn thiện cơ sở pháp lý để xếp hạng di tích đối với Dinh Thượng Thơ, nếu không sẽ lần lượt đến Bưu điện Thành phố và nhiều công trình có giá trị kiến trúc cổ khác cũng bị đập bỏ thay bằng nhà hộp kính cao ngất.

Cùng quan điểm trên, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận, việc cho rằng công trình phải được đưa vào danh sách xếp hạng di tích thì mới bảo tồn là cách làm mang tính cứng nhắc lâu nay, cần thay đổi. Không riêng gì Dinh Thượng Thơ, việc bảo vệ các di sản chưa được xếp hạng cần một hành lang pháp lý cụ thể hơn, để về sau không còn tiếp tục xảy ra tình trạng nhiều công trình di sản bị đe dọa. Theo đó, cần tiếp tục điều chỉnh những thiếu sót của Luật Di sản văn hóa hiện hành, đặc biệt là lĩnh vực bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc.

 Công trình Dinh Thượng Thơ

Bảo tồn nguyên trạng, tại chỗ

KTS Lê Quang Ninh, Hội Kiến trúc sư TP.HCM, một trong những người kịch liệt phản đối phương án phá dỡ Dinh Thượng Thơ để mở rộng trụ sở làm việc của UBND TP.HCM nói chắc nịch “giữ lại Dinh Thượng Thơ là chuyện đương nhiên không phải bàn. Ai là người tham mưu đưa ra phương án phá dỡ công trình kiến trúc cổ này thì nên xem lại”. Ông Ninh phân tích, nhu cầu điều hành một đô thị văn minh không nằm trong việc xây dựng trụ sở đồ sộ mà nằm trong việc áp dụng cách mạng CN 4.0, vì thế không cần phải dịch chuyển công trình này đi đâu, mà phải bảo tồn nguyên trạng, tại chỗ.

TS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh, giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc của Dinh Thượng Thơ là rất rõ ràng. Sự hình thành và tồn tại của công trình gắn liền với quá trình phát triển của thành phố, đặc biệt là nằm trong khuôn viên lưu giữ khá nhiều ký ức về hồn đô thị. Do đó, nên xem xét lại việc vì sao không được đưa vào danh mục kiểm kê di tích để xếp hạng? Không riêng gì Dinh Thượng Thơ mà còn nhiều công trình khác trên địa bàn như Bưu điện Thành phố, Nhà thờ Đức Bà… Ông Chính lưu ý, đối với một thành phố đặc biệt như TP.HCM thì quá trình phát triển đô thị không nên làm biến dạng công trình Dinh Thượng Thơ, và càng không nên chuyển dịch đi đâu, mà nên bảo tồn nguyên trạng tại chỗ để gìn giữ và phát huy giá trị của công trình.

Phân tích dưới góc nhìn khảo cổ học đô thị, TS Nguyễn Thị Hậu, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, sự tồn tại của Dinh Thượng Thơ đóng góp vào sự phát triển bền vững của đô thị, đáp ứng thỏa mãn các nhu cầu vềtinh thần của cộng đồng, lưu giữ ký ức hồn đô thị trong xã hội hiện đại. Qua đó bà kiến nghị bảo tồn công trình một cách nguyên trạng và ngay tại vị trí hiện hữu. Trùng tu toàn bộ và có thể thay đổi chức năng để phù hợp với quy mô và sức bền của công trình… Nên hướng công trình trở thành di sản cho đời sau chứ không nên phá bỏ từ bây giờ để đời sau hụt hẫng, trở nên “nghèo” nàn vốn văn hóa…

Qua nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu kiến trúc và văn hóa, lịch sử thể hiện sự tâm huyết với công trình Dinh Thượng Thơ, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho biết sẽ tập hợp và báo cáo cho lãnh đạo chính quyền thành phố. Đồng thời phối hợp với Sở VHTT xem xét, đánh giá lại toàn bộ giá trị của công trình để có đầy đủ cơ sở cho việc bảo tồn công trình kiến trúc cổ này.

 Bài, ảnh: HOÀNG HẢI

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top