Cần có cơ chế đặc thù trong bổ nhiệm cán bộ

VH- Dưới góc độ bài viết này, tôi chỉ đề cập đến việc cần có quy định đặc thù trong công tác cán bộ nhằm thu hút, sử dụng người tài vào những vị trí quản lý, lãnh đạo phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ đặc thù trong một số cơ quan nhà nước.

Thực tế bất cứ giai đoạn lịch sử nào, muốn thu hút được người tài vào các vị trí quản lý, lãnh đạo đều cần có cơ chế đặc thù. Bởi lẽ, nhiều người là giáo sư, bác sĩ giỏi, chuyên gia đầu ngành trong ngành y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học nhưng đa phần họ chỉ quen về công tác chuyên môn, nghiên cứu chuyên sâu, lại quá bận rộn, ít có thời gian tham gia các lớp bồi dưỡng chính trị, quản lý nhà nước. Chính vì thiếu những điều kiện này mà nhiều người tài không được bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Điều này không những thiệt thòi cho họ mà còn gây lãng phí nguồn lực của xã hội.

Việc quy định cứng nhắc, rập khuôn về điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý “vô tình” là rào cản trong việc thu hút người tài vào một số lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn, nghề nghiệp đặc thù như y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, điều hành tổ chức, doanh nghiệp nhà nước... Ngoài ra, sẽ khó khăn trong việc kêu gọi người tài ở nước ngoài tham gia quản lý nhà nước ở những ngành nghề đặc thù, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao mà Việt Nam chưa có hoặc đang còn yếu kém. Bởi lẽ, những người từng được đào tạo ở nước ngoài, làm việc lâu năm ở nước ngoài, trong đó thậm chí có người học quản lý hành chính công, quản lý điều hành doanh nghiệp nhưng không được chấp nhận vì họ chưa có... quản lý nhà nước theo chương trình trong nước!

Thiết nghĩ, trong dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) sắp tới, cần bổ sung các quy định về cơ chế đặc thù trong bổ nhiệm cán bộ quản lý, lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước. Theo đó, có thể bỏ một số tiêu chí về trình độ chính trị, quản lý nhà nước mà thay bằng áp dụng tương đương (công nhận chương trình đào tạo ở nước ngoài) hoặc kinh nghiệm công tác.

PHẠM VĂN CHUNG

 

Ý kiến bạn đọc