Bên trọng, bên khinh

VH- Những hoạt động và phát ngôn tại diễn đàn LHQ năm nay, được Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng để thể hiện những quan điểm cơ bản và định hướng trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Người ta thấy ông Trump kiên quyết bác bỏ “ý thức hệ toàn cầu hóa” và đề cao hết mức “Học thuyết ái quốc”. Người ta vẫn thấy ông Trump kiên định khẩu hiệu và phương châm “Nước Mỹ trước hết”. Và thiên hạ cũng còn thấy chủ ý nữa của ông Trump dùng cách “trọng, khinh” để phân hóa các đối tác.

Có thể nhận thấy điều này rõ nhất ở những biểu thị quan điểm, thái độ của ông Trump về Trung Quốc và Nga cũng như về Iran và Triều Tiên. Hiện tại, không thể nói là mối quan hệ giữa Mỹ và Nga là tốt đẹp cũng như giữa Mỹ và Trung Quốc là không tồi tệ. Vậy mà ở LHQ, ông Trump không hề phê phán gì Nga, trong khi lại rất nặng lời với Trung Quốc. Ông Trump không đề cập gì đến Nga, mặc dù Mỹ cùng EU trừng phạt Nga rất nhiều trên cơ sở cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Quốc hội và Tổng thống ở Mỹ năm 2016, cũng như vì Nga tiếp nhận Crimea, ủng hộ phe nổi dậy ly khai chống Chính phủ ở Ukraine và vì hoạt động quân sự của Nga ở Syria. Nhưng ông Trump lại phê phán đích danh Trung Quốc gây thiệt hại lớn cho Mỹ về kinh tế và thương mại. Còn bất ngờ và đáng được chú ý đến hơn thế nữa là việc ông Trump trong điều hành phiên họp của HĐBA LHQ, còn cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới ở Mỹ.

Ông Trump cũng như thế khi đề cập đến Iran và Triều Tiên. Cũng chuyện chương trình hạt nhân và tên lửa thôi nhưng ông Trump làm găng với Iran bao nhiêu, thì lại nhẹ nhàng với Triều Tiên bấy nhiêu. Ông Trump xóa sổ giải pháp đã có được cho vấn đề hạt nhân của Iran, trong khi mơ tưởng tới giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Chiêu thức “trọng, khinh” này không phải vô tình mà là chủ ý của ông Trump, bởi nó là một cách thức ông Trump thực hiện “Nước Mỹ trước hết”. 

 LAM SA

Ý kiến bạn đọc