Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Di tích quốc gia lò gốm Hưng Lợi​ chỉ “tồn tại” trên giấy

Thứ Hai 24/09/2018 | 09:50 GMT+7

VH- Sau loạt bài phản ánh của Văn Hóa vào hồi đầu năm 2018 về tình trạng di tích quốc gia lò gốm Hưng Lợi (quận 8, TP.HCM) bị xâm hại nghiêm trọng, Sở VHTT đã có văn bản báo cáo Bộ VHTTDL và UBND TP.HCM về vấn đề trên, trong đó đề cập các phương án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Thế nhưng đến nay, chính quyền sở tại, cơ quan chức năng có liên quan vẫn chưa hề có biện pháp bảo vệ khẩn cấp tại thực địa khiến cho di tích “độc nhất vô nhị” có tuổi đời 300 năm này tiếp tục bị xâm hại.

Phương án bảo vệ hay “bóp nghẹt” di tích?

Trở lại di tích này vào những ngày gần đây, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên xen lẫn bức xúc trước thực trạng hoang cảnh nơi đây. Khu vực bảo vệ của di tích vẫn tiếp tục bị người dân sinh sống chiếm dụng làm nơi sinh hoạt hằng ngày, phơi đồ, thậm chí bị tận dụng làm nơi đổ xà bần, rác thải xây dựng… Sân bóng đá mini vẫn vô tư hoạt động bình thường, bất chấp việc nó được xây dựng không phép trong khu vực bảo vệ di tích.

Chúng tôi tự đặt câu hỏi, vì sao một di tích như lò gốm Hưng Lợi được giới chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá rất cao về giá trị, ý nghĩa lịch sử, văn hóa… lại bị đối xử như vậy? Từ đầu năm đến nay, hiện trạng của di tích vẫn không hề thay đổi theo hướng tích cực, ngược lại nó còn bị xâm hại nghiêm trọng hơn. Thật xót xa khi phải hỏi người dân nơi đây, rằng “Có đúng đây là di tích quốc gia lò gốm Hưng Lợi hay không?”.

Được biết, cách đây khoảng 8 tháng, Sở VHTT thành phố đã có văn bản đề nghị UBND quận 8 có ý kiến bằng văn bản đối với việc xây dựng sân bóng đá mini trong khu vực bảo vệ di tích, và việc xử lý đối với hành vi xâm hại di tích theo phản ánh của Văn Hóa. Thế nhưng, trao đổi với chúng tôi về nội dung này, bà Trần Thị Thu Trang, Trưởng phòng VHTT quận 8 cho biết, sẽ kiểm tra lại vì không nhớ rõ đã có văn bản báo cáo Sở hay chưa?

Đối với vấn đề điều chỉnh khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích quốc gia, UBND quận 8 vừa có ý kiến bằng văn bản gửi UBND TP.HCM, Sở VHTT thành phố, Trung tâm Bảo tồn và phát huy di tích lịch sử văn hóa xem xét xác định diện tích phạm vi khoanh vùng bảo vệ làm cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo của dự án trùng tu khu di tích lò gốm Hưng Lợi.

Theo đó, UBND quận 8 đưa ra hai phương án: Khu vực bảo vệ theo phương án một là với diện tích 836m2, có tường bao quanh (cao 2m). Diện tích đất khoanh vùng bảo vệ của phương án hai là 1,65 ha. Trong đó, quận này kiến nghị chọn phương án một bởi tình hình thực tế tại khu vực di tích đã, đang tồn tại rất nhiều nhà dân. Với phương án này thì không phải giải tỏa, không gây bức xúc trong dân, bảo đảm quyền lợi người dân trong khu vực, tránh khiếu kiện đông người và địa phương dễ quản lý.

Còn nếu chọn phương án hai thì có khoảng 120 căn nhà của người dân bị ảnh hưởng nguyên căn và khoảng 35 căn bị ảnh hưởng một phần. Điều này gây khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. UBND quận 8 cho biết, việc khoanh vùng bảo vệ di tích theo Luật Di sản văn hóa cần phải có hướng dẫn của các cơ quan chức năng, nhưng đến nay chưa được các cơ quan chức năng hướng dẫn xác định ranh giới bảo vệ cụ thể.

Khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của di tích vẫn bị người dân chiếm dụng phơi quần áo, trồng rau màu, đổ xà bần. Ảnh chụp ngày 20.9.2018

“Chém” đất di tích như thế là cùng

Trao đổi với chúng tôi về kiến nghị của UBND quận 8, ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy di tích lịch sử văn hóa TP.HCM nhấn mạnh, nội dung đề xuất như vậy là hoàn toàn không thể chấp nhận. Vì phạm vi khoanh vùng ranh giới bảo vệ khu di tích tại thời điểm xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích là khoảng 5 ha, nhưng quận 8 lại đề xuất chỉ còn 836m2 là không được. Hơn nữa, tại những cuộc họp trước đây các bên có liên quan đã thống nhất chọn phương án hai, tức là sau khi điều chỉnh di tích có diện tích 1,65 ha. Trung tâm cũng đã có văn bản hướng dẫn cụ thể các đơn vị chức năng của quận 8 thực hiện theo phương án hai, kèm theo giải thích căn cứ vào tình hình thực tế phát triển đô thị của quận 8 để xin ý kiến Bộ VHTTDL điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích. Thế nhưng không hiểu sao UBND quận 8 vẫn kiến nghị chọn phương án một. Chọn phương án này để dễ thực hiện chăng, còn giá trị của di tích thì sao?

Ông Quân cũng cho biết, lý do thống nhất chọn phương án hai vì nó phù hợp với Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị (quy hoạch phân khu) tỷ lệ 1/2000 khu dân cư phường 16 (quận 8) đã được UBND TP.HCM phê duyệt. Khu đất nêu trên thuộc quy hoạch đất Khu di tích lò gốm Hưng Lợi và đất công viên cây xanh. Theo phương án này, UBND quận được giao nhiệm vụ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, lập bản vẽ điều chỉnh quy hoạch để hoàn thiện hồ sơ xin ý kiến của Bộ VHTTDL. Sau đó Trung tâm mới lập dự án trùng tu khu di tích.

Qua đây có thể thấy, sự “nhùng nhằng”, chậm trễ của chính quyền sở tại và ngành chức năng đã đẩy di tích chẳng những không được bảo vệ kịp thời mà còn tiếp tục bị xâm hại nghiêm trọng hơn. Hơn nữa, ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa, chuyên gia khảo cổ khẳng định di tích quốc gia lò gốm Hưng Lợi có giá trị “độc nhất vô nhị” trong nội đô TP.HCM, thế nhưng UBND quận 8 lại chọn việc dễ để làm, thậm chí cho rằng khu vực lò gốm đã bị sập, tính chất bảo tồn chỉ nhằm mục đích nghiên cứu là “phiến diện”, không nhìn thấy được tiềm năng phục vụ khai thác du lịch, giáo dục… của di tích. 

 Nội dung đề xuất như vậy là hoàn toàn không thể chấp nhận. Vì phạm vi khoanh vùng ranh giới bảo vệ khu di tích tại thời điểm xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích là khoảng 5 ha, nhưng quận 8 lại đề xuất chỉ còn 836m2 là không được. Hơn nữa, tại những cuộc họp trước đây các bên có liên quan đã thống nhất chọn phương án hai, tức là sau khi điều chỉnh di tích có diện tích 1,65 ha.

 

 HOÀNG HẢI

 

 

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top