Về làng Nam Ô

Nam Ô một chiều tháng 10, những dư chấn của làng chài sau sự việc “Nam Ô Resort” vẫn còn đó.Từng đống gạch vụn đổ nát nằm dài, vương vãi trên nền đất trước đây vốn xanh màu cây cỏ, phía ngoài, hàng rào lạnh lùng của dự án như muốn cô lập những nóc nhà từ bao đời vốn tự tại chốn thiên nhiên.

1. Những người chèo ghe bám biển
Dường như, có bao nhiêu gia đình ở Nam Ô thì bấy nhiêu đều bám biển. Đàn ông thả thuyền buông lưới, phụ nữ, trẻ nhỏ gom từng mớ cá, tôm đem ra chợ bán lấy tiền. Anh Ngô Bá Hào đang chuẩn bị cho chuyến ra khơi buổi tối, nghe anh kể, mấy tấm lưới của anh mua hơn 20 triệu đồng, nhờ tấm lưới và con thuyền mà cả nhà anh… sống tốt:  “Hàng ngày chỉ thế này thôi cũng đủ trang trải cuộc sống. Ngày nào biển hào phóng cho nhiều, kiếm được năm trăm, ba trăm tiền lời thì hôm đó cả nhà vui hơn tết. Chừng đó cũng đủ đóng học, áo quần cho con rồi. Sáng này tui thả lưới được hơn trăm ngàn, tối nay 8 giờ tui đi thuyền tiếp, ngày mai không biết có được nhiều không” -Anh Hào nheo mắt nhìn về phía biển khi tay vẫn thoăn thoắt gỡ tấm lưới .

Bà Nguyễn Thị Hoa (60 tuổi) cùng con trai bên chiếc thuyền kế bên có 8 tấm lưới, bà bảo nếu kéo ra hết cũng phải dài cả cây số, mua cả 8 tấm hết gần 30 triệu đồng. Con trai bà là lao động chính trong nhà, nhưng hàng ngày bà đều ra cùng con chuẩn bị đồ ra khơi đánh bắt cá. Theo bà kể, trước đây ngày nào gia đình bà cũng thu nhập vài trăm nghìn từ việc đánh bắt hải sản, nhờ biển Nam Ô, cuộc sống của gia đình bà tuy không giàu nhưng lúc nào cũng đầy đủ, con cháu có cái ăn cái mặc, được học hành đầy đủ.

Về làng Nam Ô - ảnh 1

Những người dân chài chuẩn bị thả lưới ra khơi

Nghe những người già ở đây kể: Hơn 700 năm trước đây, làng Nam Ô được hình thành trên doi đất cửa sông Cu Đê, người làng Nam Ô đã sinh sống nhờ mặt biển, nửa dân làng Nam Ô theo nghề biển. Được mùa, có ngày trúng 1 - 2 triệu là bình thường, không thì ít cũng được 300 - 500 một buổi. Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Nhà nước cấm pháo, dân Nam Ô chuyển sang đi biển, hồi đó mành, rớ cũng được sáu, bảy chục đôi; ghe, thúng trên 700 cái. Giờ ghe còn cỡ chục cái, thúng máy dầu còn cỡ hơn 100 cái.

Cả làng có 130 hộ ngư dân làm nghề đánh bắt bằng ghe nhỏ, thúng chai, có truyền thống đánh bắt ven bờ. Và còn trên năm chục hộ sản xuất nước mắm, tạo dựng một thương hiệu trên thị trường. Biển thương nên chẳng bao giờ vơi cạn mà cứ sinh sôi này nở hết đời này qua đời khác. Người dân cũng đánh bắt, thả lưới theo cách tự nhiên và lành hiền nhất, khai thác để biển sinh sôi chứ không khai thác để tận diệt. Cơn lốc của kinh tế thị trường đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến làng chài Nam Ô, tác động mạnh đến đời sống người dân nơi đây. Những dự án lớn, nhỏ thi nhau mọc lên dọc bờ biển kéo theo sự thu hẹp của đời sống làng chài với những ngày thả thuyền, giăng lưới… Làng Nam Ô 700 năm đang có nguy cơ bị “nuốt chửng”. 

Về làng Nam Ô - ảnh 2

Dấu tích văn hóa tâm linh làng biển Nam Ô

2. Ai giữ lại làng chài?
Nam Ô là làng chài ven biển nổi tiếng ở xứ Đàng Trong nhiều thế kỷ trước, nơi gắn liền với dấu tích, điển tích lịch sử về quá trình mở cõi của cha ông. Đây cũng là làng chài cổ duy nhất còn sót lại và vẫn giữ được nhiều nét văn hoá biển đặc trưng ở Đà Nẵng. Nổi bật là 3 cụm di tích: Lăng Ông thờ cá Ông Voi, liền bên miếu Âm Linh thờ các vong hồn chết biển; Miếu Bà thờ Mẫu, nhân vật dân gian phổ độ người đi núi đi rừng, còn gọi là Miếu Bà Liễu Hạnh và thờ vọng Huyền Trân công chúa; và mộ tiền hiền làng Nam Ô, tương truyền là chiến tướng của tướng Trần Khát Chân, hy sinh trấn giữ cản quân Chiêm truy đuổi Huyền Trân Công chúa. Các di tích này, những năm qua đều được người dân Nam Ô thành kính thờ cúng.
Nếu giữ được làng chài Nam Ô truyền thống nguyên vẹn như vốn có sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, anh Aman - du khách đến từ Nhật Bản hào hứng với máy flycam quay lại toàn bộ cảnh biển Nam Ô, thắc mắc với người bạn đồng hành của anh rằng: “Nam Ô rất đẹp, người dân cũng dễ mến, tại sao không giữ lại thiên nhiên để biến Nam Ô thành nơi giải trí theo đúng “phong cách” của Nam Ô vốn có?”. 

Về làng Nam Ô - ảnh 3

. Du khách lưu lại ký ức làng chài Nam Ô trước khi bị biến thành resort

Ông Trương Văn Đô, Bí thư chi bộ Khu dân cư Nam Ô (P. Hòa Hiệp Nam, Q. Liên Chiểu) cho biết: Dự án khu du lịch Nam Ô resort có diện tích hơn 35 ha ôm trọn bờ biển Nam Ô, cùng đó, 606 hộ dân thuộc 55 tổ dân phố phải di dời, giải tỏa. Trong số đó có 167 hộ ngư dân, khoảng 80 hội viên làng nghề nước mắm truyền thống. Phần lớn ngư dân Nam Ô làm nghề khai thác gần bờ. Theo kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi nghề của thành phố với ngư dân, các hộ làm nước mắm truyền thống sẽ được di dời về P. Hòa Hiệp Bắc, bên sông Cu Đê làm thành khu sản xuất.

 

 

Về làng Nam Ô - ảnh 4

Hàng rào dự án bao quanh làng Nam Ô hiện tại

Phát triển kinh tế là điều cần thiết, đặc biệt với Đà Nẵng - một địa phương đang “khao khát” muốn chinh phục những sân chơi lớn. Nhưng Nam Ô sẽ buồn lắm, hoang hoải lắm nếu như không còn những người dân chài vẫn đang ngày đêm bám biển; bãi biển Nam Ô sẽ “chết” nếu như không có những chiếc thuyền thúng xếp hàng im lặng nằm dài; mảnh đất Nam Ô với bao trầm tích văn hóa sẽ chỉ là nơi hụt hẫng, trơ trọi… Liệu sẽ còn mấy thời gian nữa cho những chiếc thuyền thúng này, cho những vạn chài nơi đây, khi tấm lưới kiên cố của dự án ngoài kia đang lăm le muốn đóng lại tất cả thành ký ức…

                                                                                                                                                                                                                                    N.H

Ý kiến bạn đọc