Ghi nhận những công lao to lớn của đội ngũ các cô đỡ thôn bản
VHO- Theo báo cáo của Bộ Y tế, toàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) có hơn 3.000 cô đỡ thôn bản đã được đào tạo, nhưng đến nay chỉ có khoảng 50% cô đỡ đang hoạt động.
Ngày 10.3, Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban dân tộc và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức Hội nghị vận động chính sách hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn, bản. Hội nghị do GS.TS.BS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện tổ chức UNICEF đồng chủ trì.
Tại Hội nghị, GS.TS.Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, mặc dù những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, của cấp ủy và chính quyền các cấp cũng như của các tổ chức quốc tế, sự nỗ lực của ngành Y tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Theo Thứ trưởng Bộ y tế, tỉ số tử vong mẹ tại Việt Nam đã giảm mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang gặp những thách thức trong việc giảm sự chênh lệch đáng kể về tình trạng sức khỏe, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, các nhóm dân tộc. “Việc chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, cô đỡ thôn, bản người dân tộc thiểu số tại các vùng khó khăn là một giải pháp tạm thời nhưng rất hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, nhằm giúp gỡ bỏ những rào cản về địa lý, văn hóa và kinh tế khiến cho phụ nữ người dân tộc thiểu số không thể tiếp cận được tới các dịch vụ khám thai, đỡ đẻ an toàn và chăm sóc sau sinh”, ông Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị, ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho hay, tỉ lệ phụ nữ không được chăm sóc, khám thai định kỳ cũng như tình trạng sinh nở ngoài các cơ sở y tế và tỷ suất chết trẻ em dưới dưới 1 tuổi còn rất cao; đặc biệt là ở các DTTS còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù; trong khi đó, số lượng và tỷ lệ cô đỡ thôn bản đang hoạt động lại rất thấp. “Ngoài nguyên nhân khách quan về điều kiện địa lý, mức độ phát triển kinh tế-xã hội, một số phong tục tập quán lạc hậu của đồng bào DTTS, còn có nhiều nguyên nhân chủ quan mà một trong những nguyên nhân chủ yếu đó là chưa phát huy hết vai trò, vị trí của cô đỡ thôn bản trong công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em”, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhận định.
Trước thực trạng đó, Uỷ ban Dân tộc đã phối hợp với Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030 với 10 dự án thành phần, trong đó có nội dung chính sách hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn bản (thuộc Dự án 07).
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn giao lưu với các cô đỡ thôn bản
Uỷ ban Dân tộc ghi nhận những công lao to lớn của đội ngũ các cô đỡ thôn bản, đã ngày đêm không quản nắng mưa, “vác tù và hàng tổng”, đi từng ngõ, gặp từng nhà, tuyên truyền vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ DTTS trong quá trình mang thai, sinh nở, chăm sóc trẻ em. Công sức của đội ngũ cô đỡ thôn bản đã giúp các thai phụ tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế, hạn chế tai biến không đáng có, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong mẹ, trẻ em.
Đồng thời, Uỷ ban Dân tộc đề nghị Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Dân tộc và các Bộ, ngành Trung ương trong việc kiểm tra, rà soát, nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách đối với đội ngũ cô đỡ thôn bản. Đồng thời, Uỷ ban Dân tộc đề nghị cấp uỷ, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở các cấp vùng DTTS&MN xác định rõ vai trò, vị trí của cô đỡ thôn bản; quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là thực hiện đúng, đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cô đỡ thôn bản; tích cực tuyên truyền, vận động các chức sắc, già làng, trưởng bản, người có uy tín, doanh nghiệp, cộng đồng, cá nhân, tổ chức quốc tế... nhằm huy động nguồn lực, tạo điều kiện vật chất và tinh thần để động viên, phát huy vai trò của đội ngũ cô đỡ thôn bản, xứng đáng là cánh tay nối dài của ngành y tế trong việc thực hiện sứ mệnh chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, góp phần phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS&MN.
Q.HOA