Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Băn khoăn về thời gian tựu trường mùa dịch

Thứ Sáu 06/08/2021 | 11:52 GMT+7

VHO- Chưa bao giờ ngành giáo dục (GD) lại phải trải qua những chặng đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu như năm nay. Mọi luật định, chính sách đều bị chi phối bởi những biến cố hết sức bất ngờ mà không ai có thể lường trước được, mang tên gọi Covid -19. Vấn đề thi hay không thi đã từng được đặt ra và giải quyết ổn thỏa thì nay khi Bộ GD-ĐT thông báo kế hoạch tựu trường ở các địa phương, lại một vấn đề khác đặt ra việc quy định thời gian vào năm học mới làm sao cho hợp lý.

Sinh viên Đại học Đông Á Đà Nẵng trong phòng thí nghiệm nhà trường đang chế tạo dung dịch sát khuẩn phòng, chống dịch Covid-19

Bộ giao quyền chủ động sắp xếp cho địa phương    

 Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố thời gian tựu trường năm học 2021-2022, tựu trường sớm nhất vào ngày 1/9; riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất từ ngày 23.8; tổ chức khai giảng vào ngày 5/9. Khung thời gian năm học mà Bộ ban hành áp dụng chung trên toàn quốc. Căn cứ vào khung này, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định cụ thể kế hoạch thời gian năm học tại địa phương, phù hợp với tình hình thực tế. Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh phía Nam đang gặp khó khăn do dịch bệnh, ngay bây giờ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có thể quyết định thời gian tựu trường muộn hơn khung, ví dụ 10-9 hay 15-9, thậm chí là sang tháng 10.

Nhiều phụ huynh, giáo viên (GV) đề xuất lùi thời gian khai giảng, nhưng cũng có nhà trường sẵn sàng bắt đầu năm học mới với hình thức khai giảng và dạy học trực tuyến. Khi nghe thông tin, có những ý kiến cho rằng, việc dịch bệnh còn đang căng thẳng ở nhiều địa phương trong cả nước mà cho học sinh(HS)  đến trường là không ổn. Còn nếu thực hiện dạy và học trực tuyến sẽ khó đối với cả giáo viên và học sinh tiểu học ở những địa bàn không có điều kiện.

Trong khí đó, cũng có nhiều ý kiến ủng hộ thời gian tựu trường theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhiều tỉnh, thành phố lớn hay địa phương có điều kiện cơ sở vật chất tốt, trong  năm học qua  đã thực hiện khai giảng online, dạy học trực tuyến, thi online, bế giảng online hiệu quả . Nếu lùi thời gian năm học mới thì lùi đến bao giờ, khi không thể lường được tình hình dịch bệnh? Chuẩn bị tốt cả phương án dạy học trực tiếp và trực tuyến là cách tốt nhất để chủ động trong việc thực hiện kế hoạch năm học ở bối cảnh dịch bệnh. 

Phụ huynh hỗ trợ các con trẻ học online trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19

Nhiều ý kiến sẻ chia 

Cô giáo Trần Thị Bích Ngọc,Trường THPT Lao Bảo (Quảng Trị), cho rằng: "Tôi thấy học sinh có những trình độ khác nhau. Với học sinh trường chuyên khả năng tự học tốt thì việc học online là chuyện rất đơn giản. Nhưng rất nhiều học sinh trung bình và yếu, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa việc học trực tiếp trên lớp đã khó tiếp thu chứ nói gì đến việc online vì thế nếu địa phương không ở trong vùng dịch và điều kiện phòng dịch tốt thì nên tiên hành năm học bình thường"
Còn cô giáo Trần Thị Hông Hải,Trường THPT Lê Lợi (Đông Hà, Quảng Trị), thì nói: “Trong điều kiện địa phương không có dịch hay kiểm soát tốt phòng chống dịch thì nên tiến hành năm học. Vì việc học online không chỉ gây khó khăn với học sinh mà giáo viên cũng gặp nhiều bất cập.Thường là một lớp phổ thông ít nhất cũng gần 40 em.Việc học ôn rất khó quản lý, vì không phải tất cả học sinh đều bật camere và tương tác tốt trong quá trình học".

Theo thầy giáo Mai Xuân Gia, giáo viên Trường TPHT Chế Lan Viên (Quảng Trị) việc dạy học trực tuyến trong thời kì dịch bệnh Covid-19 giúp cho các địa phương vừa phòng tránh được sự lây lan của dịch bệnh vừa có thể theo kịp được tiến độ chương trình chung của Bộ. Nhưng việc dạy học trực tuyến  cũng có nhiều khó khăn và bất cập, cụ thể là: Về phía HS: Thiếu các trang thiết bị cần thiết như điện thoại thông minh, máy tính có kết nối internet và camera,... đặc biệt là những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nếu việc sử dụng điện thoại thông minh để học trong thời gian dài vừa khó quan sát, vừa gây ảnh hưởng mắt, vừa làm cho nhiệt độ của điện thoại tăng cao có thể dẫn đến nguy cơ cháy nổ điện thoại. Việc tiếp thu của học sinh  thông qua dạy học trực tuyến cũng sẽ hạn chế đi nhiều so với phương pháp dạy học thông thường. Hiệu quả của phương pháp dạy học này phần lớn phụ thuộc vào ý thức và năng lực nhận thức của học sinh".

Học sinh một số trường miền núi sẽ gặp không ít khó khăn về điều kiện để học và thi online

Trước những ý kiến tỏ ra e ngại việc Bộ GD-ĐT  ban hành thời gian biên chế năm học hơi sớm, Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương (người sáng lập mô hình trường Mầm non -Tiểu học đa trí thông minh đã phát biểu:  “Dịch bệnh đã diễn ra 2 năm nay và không biết chắc khi nào kết thúc, kể cả khi có vaccine thì cũng không có gì đảm bảo là không có biến thế mới. Giả sử dịch kéo dài hơn nữa thì không lẽ việc học tập dừng lại hoàn toàn.Việt Nam mình năm nay mới bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thế giới họ đã phong tỏa từ suốt năm ngoái đến năm nay và họ vẫn học tập bình thường thông qua hình thức trực tuyến.Họ không hề bàn chuyện dừng học hay là cho rằng "học trực tuyến không hiệu quả".

Đúng là ở mootjj số nước trên thế giới,việc học tập  không còn bị bó buộc bởi khái niệm đến trường và ở trong 4 bức tường.Các trường đại học hàng đầu thế giới họ đều mở ra các chương trình học trực tuyến hoàn toàn miễn phí cho mọi người, ai cũng có thể học với những người thầy giỏi nhất thế giới mà không còn phụ thuộc vào khoảng cách địa lý.Dừng đến trường không có nghĩa là dừng học. Thiết nghĩ,  những nơi ảnh hưởng quá nặng, khó khăn cả về nhân lực và điều kiện dạy học trực tuyến, còn những địa phương khác ít chịu ảnh hưởng dịch bệnh vẫn có thể tổ chức dạy và học một cách linh hoạt bằng nhiều hình thức.

M.C

 

Print

Video

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top